1. Tổng quan kết quả kinh doanh
Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (LNST) quý 3 của 60 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất giảm 6.3% YoY và giảm 8.8% so với quý 2. Trong đó, nhóm ngành đóng góp giảm nhiều nhất có: BĐS nhà ở, hàng tiêu dùng, hóa chất, BĐS khu công nghiệp và nhóm liên quan đến xuất nhập khẩu.
Xét về tiến độ hoàn thành kế hoạch kinh doanh, các doanh nghiệp mới chỉ đạt quanh 55-70% kế hoạch. Tuy nhiên, KQKD quý 4 dự kiến sẽ tốt hơn và tăng trưởng YoY khi nền Q4/2022 tương đối thấp.
Nhìn riêng nhóm ngân hàng, nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước (SOBs) duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong khi đó nhóm NHTM lớn (ACB, TCB, VPB, MBB) ghi nhận sự phục hồi so với quý trước khi NIM tạo đáy và chất lượng nợ vay có cải thiện; tuy nhiên vẫn đang tăng trưởng âm YoY.
Về cơ cấu thu nhập, hoạt động FX đem về nguồn thu lớn cho nhóm SOBs nhưng thu nhập lãi thuần (NII) thi chậm lại QoQ và YoY. Ngược lại, nhóm NHTM lớn lại duy trì KQKD từ Q2/2022 đa phần nhờ NII và NII nhóm này cũng đã hồi phục YoY.
2. Hoạt động cho vay và khả năng sinh lời
Về nhóm ngân hàng quốc doanh, các SOBs chịu áp lực hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nhiều, cộng với độ trễ trong sự thay đổi của lãi suất huy động và cho vay khiến cho NIM các SOBs giảm quý thứ 3 liên tiếp.
Hoạt động huy động của các ngân hàng nhìn chung thuận lợi hơn so với các năm trong bối cảnh lãi suất huy động tăng cao cuối 2022 và nửa đầu 2023.
Về nhóm NHTM lớn, hầu hết các khoản huy động cao đã được chuyển giá (pass through) cho người đi vay và lãi suất huy động sẽ có xu hướng giảm qua các quý. Một số ngân hàng đã có tín hiệu tạo đáy NIM như MBB và TCB. Trong khi đó, ACB do cấu trúc vay sẽ tạo đáy NIM trong Q4.
Với trường hợp của VPB, áp lực NIM là vẫn còn khi chênh lệch tăng trưởng giữa huy động và tín dụng là quá lớn.
Xu hướng giảm của lãi suất huy động sẽ giúp đầu ra thông suốt hơn khi các NHTM sẽ có nhiều dư địa để hạ lãi suất cho vay đầu ra, đồng thời cải thiện NIM.
3. Chất lượng tài sản phân hóa
Tỷ lệ nợ xấu tiếp diễn xu hướng tăng, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng nợ xấu >20% so với quý trước. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ nhóm 2 đã quay đầu giảm giúp NPL có khả năng tạo đỉnh.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu có xu hướng giảm và tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu vẫn thấp trong bối cảnh nợ xấu đang tăng. Liệu các NHTM đang kỳ vọng nợ xấu sẽ giảm trong các quý tới? Hay các nhà băng sẽ phải tăng cường trích lập trong tương lai?
Các SOBs có tỷ lệ trích lập dự phòng khá chủ động (đặc biệt là CTG), có tương quan cao với tỷ lệ NPL thực tế, nhất là nợ nhóm 5. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của nhóm này còn rất cao (>170%) nên áp lực trích lập trong 2024 sẽ thấp hơn.
Ngược lại, nhóm NHTM lớn thường trích lập vào những giai đoạn thị trường thuận lợi. Do đó, khả năng nhóm này sẽ duy trì việc trích lập dự phòng ở mức cao trong năm sau và gây sức ép lên lợi nhuận.
Lượng trái phiếu doanh nghiệp của nhóm NHTM lớn cũng tăng trở lại.
4. Định giá hấp dẫn cho tầm nhìn 2024
Nói đi cũng phải nói lại, team FinSuccess nhận thấy định giá của nhóm ngân hàng đang vô cùng hấp dẫn khi định giá PB đang ở quanh 1.5 - vùng thấp nhất trong nhiều năm qua, ngang với giai đoạn Covid-19 và downtrend cuối năm 2022.
Với kỳ vọng hoạt động kinh doanh của nhóm này tạo đáy nửa cuối năm 2023, team cho rằng nhóm ngân hàng là sự lựa chọn tiềm năng và hấp dẫn cho 2024. ACB và TCB cũng là 2 cái tên có trong danh mục của FinSuccess.
Thống kê định giá một số ngân hàng tiêu biểu, hầu hết các nhà băng đều đang ở mức chiết khấu hấp dẫn trong 5 năm qua.
Nhìn chung, FinSuccess đánh giá ngân hàng nhóm ngành đáng quan tâm cho giai đoạn tới với xu hướng tạo đáy lợi nhuận cũng như mức định giá chiết khấu đủ sâu khi so sánh trong quá khứ cũng như với các nhóm ngành khác trên sàn. Hi vọng bài cập nhật sẽ có ích với quý anh chị nhà đầu tư!