1. Nguyên liệu đầu vào
Nguồn khí đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất điện khí chủ yếu là khí thiên nhiên (chiếm 90% nguồn khí đầu vào cho hoạt động sản xuất), hiện tại nguồn cung cấp khí chủ yếu đến từ các bể trong nước. Tuy nhiên theo quy hoạch điện VIII, Chính Phủ chủ trương sử dụng nguồn khí LNG nhập khẩu (Khí thiên nhiên nhiên hóa lỏng - Liquefied Natural Gas) phục vụ ngành điện khí và định hướng sẽ là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng trong 10 -15 năm tiếp theo.
1.1 Tình hình nguồn cung và sản lượng tiêu thụ khí nội địa
1.1.1 Các bể trầm tích dầu khí tại Việt Nam
Hoạt động khai thác khí đã diễn ra rất sớm từ năm 1981 tại mỏ khí Tiền Hải Thái Bính thuộc bể Sông Hồng, vài năm sau dòng khí đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ thuộc bể Cửu Long được dẫn vào trong đất liền với sản lượng 246 triệu m3/năm.
Sản lượng khí khai thác hằng năm giai đoạn 1986 – 2015
Các mỏ khí lớn tại Việt Nam thường nằm tại 8 bể trầm tích dầu khí gồm bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Sông Hồng, Hoàng Sa, Phú Khánh, Tư Chính - Vũng Mây, Trường Sa, Malay - Thổ Chu trong đó:
-
Bể Cửu Long với diện tích nhỏ nhất chỉ khoảng 36.000 km2 nhưng lại là bể có ý nghĩa quan trọng nhất, ở đây tập trung nhiều mỏ dầu khí lớn như Bạch Hổ, Sư tử Đen, Sư tử trắng. Bể Cửu Long hiện đang chiếm hơn 80% tổng sản lượng khai thác của ngành dầu khí.
-
Bể Nam Côn Sơn với diện tích khoảng 100.000 km2, độ sâu của bể có phạm vi thay đổi rất lớn lên đến -1000m, bể tập trung một số mỏ dầu khí như Đại Hùng, Hải Thạch, Mộc Tính,... Tiềm năng dầu khí cũng như trữ lượng khai thác hàng năm của bề Nam Côn Sơn được đánh giá đứng thứ 2 thềm lục địa Việt Nam.
-
Bể Mã Lai - Thổ Chu, sản lượng khai thác đứng thứ 3 sau hai bể Cửu Long và Nam Côn Sơn.
Nếu chỉ tính riêng đối với lĩnh vực khai thác khí, bể Nam Côn Sơn đang là bể có sản lượng khai thác khí lớn nhất do tính chất của bể chủ yếu là khí không đồng hành (không bị trộn với dầu) nên việc khai thác và xử lý dễ dàng hơn, sản lượng của bể ước tính mỗi năm khoảng 6,5 tỷ m3. Trong khi đó tuy khả năng thu hồi của bể Cửu Long lớn nhất nhưng chủ yếu là khí đồng hành nên sản lượng khí mỗi năm chỉ khoảng 1,5 tỷ m3.
1.1.2 Sản lượng khai thác khí hằng năm tại Việt Nam
Hoạt động khai thác dầu khí tại Việt Nam được tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) chịu trách nhiệm chính và cũng gần như độc quyền từ khâu thượng nguồn, vận chuyển, phân phối thông qua mạng lưới dày đặc các công ty con và liên kết.
Năm 2016, sau khi ghi nhận lượng khí khai thác đạt con số cao nhất 10,6 tỷ m3 thì sản lượng bắt đầu suy giảm trung bình 7% mỗi năm do, nguyên nhân chủ yếu đến từ:
-
Phần lớn các mỏ dầu khí tại các bể Cửu Long và Nam Côn Sơn đã được khai thác trong 20 – 40 năm nay và các mỏ đang đi vào giai đoạn cuối chu kỳ khai thác, một số mỏ có hiện tượng ngập nước gây khó khăn trong công tác khai thác.
-
Hoạt động tìm kiếm – thăm dò – khai thác cũng gặp nhiều trở ngại, hầu hết các mỏ có trữ lượng dầu tiềm năng đều đang nằm ở các mực nước sâu, các vùng tiếp giáp vốn nhạy cảm chính trị.
-
Bên cạnh đó, các điều khoản ưu đãi của Luật Dầu khí không còn đủ hấp dẫn các nhà đầu tư trong bối cảnh biến động giá dầu, không khuyến khích đầu tư vào các mỏ nhỏ, mỏ cận biên kinh tế và các mỏ đang ở thời kỳ khai thác tận thu hồi.
1.1.3 Sản lượng tiêu thụ và tiềm năng tiêu thụ khí tại Việt Nam
Ngành điện khí là khách hàng tiêu thụ lớn nhất chiếm khoảng 78% tổng lượng khí tiêu thụ cả nước (tiêu thụ quanh 8 tỷ m3 khí mỗi năm), khoảng 19% cho ngành đạm và còn lại cho các ngành công nghiệp khác. Hiện tại gần như nguồn cung của cả nước chỉ vừa đủ phục vụ cho ngành điện khí, một số ngành khác phải nhập khẩu thêm khí LPG (Khí dầu mỏ hóa lỏng - Liquefied Petroleum Gas) cho hoạt động sản xuất.
Hiện tại dự báo sản lượng khí tiêu thụ giai đoạn 2021 – 2025 trung bình khoảng 14 tỷ m3 và đến giai đoạn 2025 – 2030 thì con số tiêu thụ lên đến 23 tỷ m3 (+64%). Động lực cho tiêu thụ khí chủ yếu đến từ nhu cầu tiêu thụ điện năng do đặc điểm nhân khẩu học và tăng trưởng kinh tế trong nước.
1.2 Sự chuyển dịch của ngành khí Việt Nam
1.2.1 Tăng cường nhập khẩu LNG trong giai đoạn tới
Ngành dầu khí đứng trước những khó khăntừ đó đòi hỏi phải có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Đầu tiên là đa dạng nguồn năng lượng đầu vào, theo QHĐVIII thì lượng khí thiên nhiên khai thác trong nước thiếu hụt sẽ được bù đắp bởi khí LNG nhập khẩu và dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2025 khi cảng LNG Thị Vải hoàn thành.
Cân bằng cung cầu khí giai đoạn 2016 - 2035
1.2.2 Khai thác các dự án khí trọng điểm
Trong trung hạn, nguồn cung khí Việt Nam sẽ được bổ sung nhờ các dự án trọng điểm gồm Lô B – Ô Môn, Cá Voi Xanh, Kèn Bầu. 3 đại dự án này sẽ nâng tổng trữ lượng khí Việt Nam từ khoảng 150 tỷ m3 lên đến hơn 700 tỷ m3. Đây đều là các dự án lớn và cực kỳ quan trọng đến mục tiêu an ninh quốc gia nhưng cả 3 cũng đều là những dự án lâu dài và phức tạp với nhiều giai đoạn liên quan nên thông thường khó thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, tin tích cực là hiện tại quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của dự án Lô B – Ô Môn dự kiến sẽ được duyệt vào tháng 7/2023 sau nhiều lần không được ký kết. Dự án Cá Voi Xanh cũng đang trong những bước cuối cùng giữa PVN và ExxonMobil nhằm đạt tiến độ quyết định đầu tư cuối cùng vào khoảng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
2. Quy trình sản xuất
2.1 Tình hình hoạt động nhà máy điện khí tại Việt Nam
Nguồn khí thiên nhiên sau khi được khai thác sẽ được vận chuyển về các nhà máy xử lý và sẽ chuyển sang công đoạn dự trữ, phân phối theo 2 hướng, trong đó khí thượng phẩm sẽ phục vụ chủ yếu cho ngành công nghiệp điện. Hiện tại các nhà máy điện khí tập trung chủ yếu khu vực miền Trung và ở khu vực phía Nam, gần vị trí các bể khai thác để hoạt động vận chuyển dễ dàng hơn. Tính đến thời điểm T5/2023, tổng công suất điện khí chiếm 11,2% trên tổng huy động.
Theo QHĐVIII của Chính Phủ, tỷ trọng ngành điện khí sẽ chiếm khoảng 21% vào năm 2030, là một trong những ngành năng lượng trọng điểm của Việt Nam.
Phần còn lại của bài viết bao gồm khâu phát điện, truyền tải, phân phối, tiêu thụ có thể tham khảo bài viết "Chuỗi giá trị ngành nhiệt điện than" ở dưới đây do không có sự khác nhau đáng kể của khâu này giữa 2 chuỗi giá trị.