1. Nguyên vật liệu đầu vào
Than đá là nguyên liệu chính lĩnh vực nhiệt điện than, chiếm hơn 90% trong chi phí nguyên vật liệu. Hiện tại nguồn than được sử dụng trong hoạt động sản xuất đến từ 2 nguồn chính là trong nước và nhập khẩu.
1.1 Bối cảnh ngành than trong nước
1.1.1 Tình hình các mỏ than tại Việt Nam
Loại hình than của nước ta khá đa dạng, nhưng có năm loại chính: than Antraxit, than mỡ, than bùn, than ngọn lửa dài, than nâu.
Theo số liệu của hình trên thì hiện tại thì tổng tài nguyên, trữ lượng than có mức độ thăm dò dự tính, chắc chắn và tin cậy là là 3.4 tỷ tấn. Tuy bể than Sông Hồng được đánh giá là có trữ lượng khổng lồ nhất thậm chí nếu tính đến độ sâu -3.500 m thì trữ lượng lên tới 210 tỷ tấn nhưng việc khai thác được đánh giá là quá rủi ro.
Bể than sông Hồng có tổng diện tích điều tra là 2.765km2 thuộc địa phận các tỉnh: Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam
Bể than sông Hồng có điều kiện địa chất hết sức phức tạp cho việc khai thác, lại nằm trong vùng nhạy cảm về môi trường, xã hội và có nhiều tài nguyên nhiên, văn hóa, nhất là tài nguyên nước và đất nông nghiệp. Nếu việc khai thác diễn ra có thể gây đứt gãy các mảng kiến tạo từ đó dẫn đến các hiện tượng động đất, sạt lở,.. cho nên tuy quy mô lớn nhưng lại không có hiệu quả kinh tế.
Hiện tại bể than khu vực Đông Bắc là nguồn cung than chủ yếu của nước ta với mỏ than Quảng Ninh. Trữ lượng than trong khu vực được thống kê khoảng 4 tỷ tấn trong đó đã có trên 3,3 tỷ tấn là thuộc sở hữu của vùng mỏ Quảng Ninh. Than đá ở Quảng Ninh phần lớn tập trung tại ba khu vực: Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí - Đông Triều, mỗi năm khai thác 30 – 40 triệu tấn.
Mỏ lộ thiên Cọc 6 – Quãng Ninh
1.1.2 Sản lượng khai thác và tiêu thụ hằng năm
Hiện tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (TCTĐB) là 2 đơn vị sản xuất than chính của ngành than (chiếm 95% sản lượng than sản xuất trong nước).
Bình quân hằng năm TKV và TCTĐB khai thác khoảng 40 – 47 triệu tấn than. Hiện tại ngành than có kế hoạch gia tăng sản lượng sản xuất bình quân đến năm 2030 đạt 45 – 48 triệu tấn và sẽ điều chỉnh giảm cho các năm về sau.
Với ưu tiên đảm bảo an ninh năng lượng, hầu hết sản lượng than đều được tiêu thụ trong nước với tỷ trọng cao nhất thuộc về nhóm công nghiệp điện (hơn 70%) và có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Chính vì sự chênh lệch về cung cầu than trong nước nên hằng năm nước ta phải chi hàng tỷ USD để nhập than đá chủ yếu từ Australia, Indonesia, Nga để bổ sung.
1.1.3 Cơ chế giá than trong nước
Do ngành than ảnh hưởng mật thiết đến an ninh năng lượng quốc gia nên lĩnh vực này được quản lý bởi Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan (TKV, TCTĐB) nhằm đảm bảo cung cấp than đủ cho nhu cầu năng lượng trong nước và ổn định giá thành. Cơ chế giá sẽ theo (Cost + Margin) tức là giá than mua vào sẽ đủ để công ty bù đắp toàn bộ chi phí và có thêm một tỷ suất lợi nhuận theo thỏa thuận.
Cơ chế bình ổn giá này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất trong nước đặc biệt là doanh nghiệp và hộ gia đình tuy nhiên việc gia than tăng mạnh trong năm 2021 (tăng gấp đôi so với giá than trong nước) đã gây áp lực lên chi phí sản xuất chung của ngành.
Tính đến 2022, TKV đang phải gánh khoảng nợ 74.600 tỷ đồng - hơn 3 tỷ USD, hiện tại số nợ này lớn gấp 1,6 lần vốn sở hữu do phải trực tiếp điều tiết giá than trong nước trong bối cảnh giá than năm 2022 tăng cao.
2. Quy trình phát điện, truyền tải, phân phối điện
Tổng vốn đầu tư các công trình điện của EVN chiếm 39% tống vốn đầu tư nguồn và lưới điện toàn ngành. Trong đó: vốn EVN đầu tư nguồn điện của chiếm khoảng 20%, lưới điện truyền tải 7% và lưới phân phối khoảng 12% tổng vốn đầu tư toàn ngành.
2.1 Phân bố các nhà máy nhiệt điện Việt Nam
Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN, tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 77.800 MW, tăng khoảng 1.400 MW so với năm 2021. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.165 MW - chiếm tỷ trọng 26,4%, nhiệt điện than là 25.312 MW - chiếm tỷ trọng 32,5%, nhiệt điện khí 7.160 MW - chiếm tỷ trọng 9,2%, thủy điện (bao gồm thủy điện nhỏ) là 22.544 MW - chiếm tỷ trọng 29,0%.
Tiêu thụ nhiệt điện than tập trung chủ yếu tại 2 miền Bắc miền Nam. Các nhà máy điện sử dụng than nội tập trung tại miền Bắc (khoảng 12.670 MW) do gần khu vực mỏ than Quảng Ninh và khu vực bể than Sông Hồng, trong khi các nhà máy điện sử dụng than nhập chủ yếu nằm ở miền Nam (khoảng 8.680 MW).
2.2 Các bên tham gia khâu phát điện
Dựa trên số liệu nhà máy nhiệt điện đang vận hành thì lĩnh vực này được chi phối chủ yếu bởi Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), các nhà máy sẽ được điều hành trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty con của tập đoàn trên. Bên cạnh cũng có sự tham gia của Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và của một số nhà đầu tư nước ngoài.
2.3 Mạng lưới truyền tải, phân phối điện
Hiện tại ENV đang độc quyền ở khâu này với hệ thống các công ty con chịu trách nhiệm phân phối, truyền tải.
2.3.1 Khâu truyền tải
Khâu truyền tải là hoạt động trung gian giúp vận chuyển điện năng đến khâu phân phối và bán lẻ. Ở giai đoạn này, điện năng sản xuất từ các nhà máy điện sẽ được truyền tải qua lưới điện cao thế 220kV và đường dây 500kV Bắc – Nam.
Đối với hệ thống đường dây 500kV sẽ đóng vai trò như xương sống của hệ thống điện Việt Nam với chiều dài hơn 1500 km chạy dọc từ Bắc vào Nam. Hệ thống này đóng vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng năng lượng toàn quốc và ảnh hưởng tới độ tin cậy cung cấp điện của từng miền. Đối với hệ thống đường dây 200kv sẽ là xương sống cho hệ thống điện của từng miền, có nhiệm vụ đảm bảo việc cung cấp điện an toàn và liên tục tới lưới điện của miền và khu vực.
Trong giai đoạn 2016-2020, với việc bổ sung thêm hơn 20.000 MW nguồn điện mới và hơn 11.300 km đường dây, hơn 8.400 MVA công suất trạm biến áp, hệ thống điện Việt Nam về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải với độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao với số lần cắt tải giảm mạnh.
2.4 Khâu phân phối và bán lẻ điện
2.4.1 Khâu phân phối
Hoạt động phân phối điện diễn ra ở đường dây từ 6kV – 100kV thuộc quyền quản lý của các tổng công ty điện lực các miền (Tổng cục điện lực miền Nam, Tổng cục điện lực miền Bắc, Tổng cục điện lực miền Trung, Tổng cục điện lực TPHCM, Tổng cục điện lực Hà Nội).
Các đơn vị ở phân khúc này có trách nhiệm quản lý các lưới điện phân phối khu vực (lưới điện phân phối 110kV cho một thành phố hay một khu công nghiệp nào đó) và lưới điện trung thế 35kV, 22kV, 15kV, 10kV, 6kV để phân phối đến các máy biến áp nhỏ trước khi hạ áp xuống 0,4kV cho các hộ tiêu thụ.
2.4.2 Khâu bán lẻ điện
Ở Việt Nam, khung giá điện bán lẻ được EVN đề xuất sau đó trình cho Bộ Công Thương phê duyệt. thông thường cơ chế đề xuất giá điện sẽ được hình thành dựa trên các yếu tố chính gồm:
- Giá thành sản xuất và nhập khẩu điện: Giá thành sản xuất điện bao gồm chi phí về nhiên liệu, vận hành nhà máy điện, bảo dưỡng và chi phí khác
- Chi phí truyền tải và phân phối: Chi phí này bao gồm việc truyền tải điện từ nhà máy điện đến các trạm biến áp và phân phối nó đến khách hàng cuối cùng.
- Chi phí quản lý và hỗ trợ: Đây là các chi phí liên quan đến quản lý và hoạt động của EVN, bao gồm chi phí quản lý, tiếp thị, dịch vụ khách hàng và các hoạt động hỗ trợ khác.
- Chính sách và quy định của chính phủ: Chính sách này bao gồm việc quy định giá điện, thuế và phí liên quan đến điện, cũng như các biện pháp khác nhằm đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và quyền lợi của người tiêu dùng.
- Cơ cấu giá điện: Giá điện bán lẻ tại Việt Nam được phân thành các mức giá khác nhau tùy theo mục đích sử dụng và đối tượng khách hàng
3. Khâu tiêu thụ
3.1 Tình hình tiêu thụ điện tại Việt Nam
Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2022 là 242,72 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2022 là 456.971,15 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2021.
3.2 Đối với tiêu thụ điện theo 3 miền
Miền Bắc có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân trong toàn giai đoạn 2011-2020 là 11,2%. Miền Nam có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân cùng kỳ thấp hơn ở mức 9,7%. Miền Trung chiếm tỷ trọng thấp nhất chỉ đạt 8,7%.
3.3 Đối với tiêu thụ theo lĩnh vực
Sự chuyển dịch cũng thể hiện trong cơ cấu tiêu thụ điện toàn quốc. Giai đoạn 2010-2020 có nhiều sự khác biệt so với giai đoạn 10 năm trước đó, khi mà nông- lâm- thủy sản có tỷ trọng và tăng trưởng điện thương phẩm khá thấp, công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao và tỷ trọng gia tăng khá nhanh.
Về tiêu thụ điện trong ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân trong cả giai đoạn 2011-2020 là 10,1%/năm, trong khi ở giai đoạn 2001-2010 là 17,5%/năm. Tỷ trọng điện thương phẩm ngành công nghiệp duy trì ở mức tăng cao từ 52,7% năm 2010 lên 54,1% năm 2020, chủ yếu đến từ Tổng công ty điện lực miền Bắc và miền Nam.
Về tiêu thụ điện trong khu vực hộ gia đình, trong những năm qua duy trì ở mức tăng trưởng khoảng 8,6%/năm. Lý do cơ bản là sự gia tăng dân số và khả năng tiếp cận điện năng ngày càng trở nên dễ dàng.