Hoạt động kinh doanh
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (HOSE: STB) là một ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam đầu tiên tại Thành Phố Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 1991.
Đến nay, ngân hàng đã có mạng lưới hoạt động rộng rãi với hơn 570 chi nhánh điểm giao dịch trên toàn quốc, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng cho hơn 10 triệu khách hàng. Về quy mô mạng lưới, Sacombank chỉ đứng sau nhóm ngân hàng nhà nước gồm Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG) và BIDV.
Cơ cấu cổ đông:
Cơ cấu cổ đông của STB tương đối biến động trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển của ngân hàng. Trong đó, nhóm cổ đông liên quan đến Trầm Bê nắm giữ nhiều nhất (32,5%), hiện đang được kiểm soát bởi VAMC và được xử lý theo đề án tái cơ cấu (Sacombank có thể mua lại khoản này, trả lại trái phiếu đặc biệt, rồi bán đấu giá với giá khởi điểm 34.000 đồng/cổ phiếu).
Ngoài ra, Dragon Capital cũng nắm nhiều cổ phần thông qua các quỹ thành viên (CTBC, Norge Banks, Hanoi Investment Holding Limited, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company,…) Ông Dương Công Minh, chủ tịch HĐQT cũng đang nắm khoảng 3% cổ phần.
Tình hình tài chính:
Tỷ lệ nợ xấu tại STB có sự cải thiện trong 5 năm gần đây, dao động quanh mức 2% so với mức 8.2% vào giai đoạn 2015-2016, thời điểm sát nhập với ngân hàng Phương Nam. Tuy rằng năm 2022 tỷ lệ nợ cần chú ý (SML) có tăng đáng kể do những rủi ro về kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn trung bình ngành nhờ vào tính chất kinh doanh an toàn của STB với mảng cho vay tập trung vào phân khúc dịch vụ cộng đồng và cá nhân. Hầu hết các khoản vay này được dùng để trang trải chi phí, mua sắm đồ đạc hoặc phát triển kinh doanh.
Luận điểm đầu tư:
Hoàn thành dự phòng trái phiếu VAMC, lợi nhuận tăng trưởng 60-70%
Đây là catalyst “đẻ ra tiền” của thị trường khi nhìn vào case turnaround này. Cơn đau đầu của các cổ đông STB từ năm 2016 sẽ được giải quyết triệt để trong năm 2023 khi khoản trái phiếu đặc biệt từ hoạt động bán nợ cho VAMC được dự phòng toàn bộ.
Trong quá khứ, chi phí dự phòng rủi ro của STB chiếm khoảng 45-50% lợi nhuận, trong đó dự phòng cho trái phiếu VAMC thường chiếm trên 50% tổng chi phí. Do đó, giai đoạn 2023-2025 sẽ chứng kiến một sự trở lại ngoạn mục của STB với LNST tăng trưởng 2 chữ số lên tới 60-70%/năm sau khi cởi bỏ áp lực trích lập dự phòng.
Room tín dụng tăng trưởng
Trong thời gian xử lý nợ xấu, hạn mức tín dụng của STB khá khiêm tốn so với các ngân hàng cùng quy mô do chất lượng tài sản sụt giảm sau khi tiếp nhận tổ chức tín dụng yếu kém.
Tuy vậy giai đoạn 2018-2022 ngân hàng vẫn duy trì được mức tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 15%/năm, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế. Kỳ vọng sau khi hoàn tất trích lập trái phiếu VAMC, kỳ vọng STB sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn khi được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng.
Dư địa tăng trưởng dịch vụ nhờ tái ký hợp đồng với Daiichi Life:
Thu nhập từ dịch vụ chiếm một tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu doanh thu của STB và được ngân hàng này duy trì ổn định với mức tăng trưởng bình quân 12%/năm giai đoạn 2017-2022.
Trong đó đóng góp chính là mảng bảo hiểm và dịch vụ ủy thác & đại lý. Việc tái ký kết thỏa thuận độc quyền banca mới với Daiichi Life giúp ngân hàng ghi nhận khoản phí bất thường trong 2022 và tạo dư địa tăng trưởng khổng lồ trong thời gian tới.
Ý chí ban lãnh đạo
Một điểm nhấn khác đó là tờ trình họp ĐHĐCĐ năm 2023 của STB, trong đó ban lãnh đạo đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2023 đạt 9500 tỷ đồng (+50% yoy).
Tuy nhiên nếu nhìn vào quá khứ, ta có thể thấy rằng BLĐ luôn thận trọng trong kế hoạch của mình, điều đó khiến cho lợi nhuận thực hiện luôn vượt xa 120-130% so với kế hoạch, tức con số 11,000 tỷ lợi nhuận trước thuế là điều mà nhà đầu tư có thể nghĩ tới.
ĐỊNH GIÁ
Dựa trên những luận điểm nêu trên về tình hình kinh doanh và triển vọng tăng trưởng của STB, FiinSuccess đã đưa ra dự phóng của mình về kết quả kinh doanh cho giai đoạn 2023-2025, với LNST tăng trưởng LNST bình quân 30%/năm.
Theo quan điểm của FiinSuccess, STB và ACB có những nét tương đồng về quy mô tài sản, vốn chủ, cơ cấu tập khách hàng khi tập trung vào khách hàng cá nhân (retail client). Trong quá khứ, lợi nhuận của ACB đã cải thiện rõ rệt sau khi xử lý xong nợ xấu do đó FiinSuccess kỳ vọng định giá của STB sẽ tốt hơn sau khi hoàn thành đề án.
Nói về định giá của Sacombank, hiện tại doanh nghiệp đang được định giá ở mức P/B 1.27 lần, thấp hơn mức P/B của ACB giai đoạn sau tái cơ cấu là 3.2. Tương tự như ACB, STB hiện đang có rất nhiều bệ phóng cho thị giá gia tăng mạnh mẽ trong dài hạn.