Triển vọng từ 3 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam
Dựa trên số liệu của Tổng cục thống kê từ 2015 cho đến nay, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng với CAGR 13% và đạt kỷ lục năm 2022. Tuy nhiên 3 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu giảm 12% so với cùng kỳ nhưng vẫn ghi nhận xuất siêu 4.07 tỷ do kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh, hiện tại cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm chế biến chiếm 89% tổng giá trị.
Tính đến thời điểm 2023, Mỹ, Trung Quốc, EU là ba nước xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với tỷ trọng lần lượt 29%, 16%, 13%. Đánh giá sơ bộ triển vọng của 3 quốc gia trong năm 2023, Finsuccess có nhận định như sau
- Thị trường Mỹ: Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Đánh giá sơ bộ, thị trường Mỹ vẫn đang gặp sức ép lãi suất khi lạm phát vẫn chưa đạt được mục tiêu 2% tuy nhiên nhìn vào sự gia tăng trong bảng lương phi nông nghiệp thời gian gần đây tiếp tục tăng mạnh điều này là động lực giúp sức mua thị trường ổn định và phục hồi trở lại cho đến khi lãi suất điều chỉnh theo hướng tích cực hơn.
- Thị trường Châu Âu: Với sự sụp đổ của một vài ngân hàng gần đây khiến rủi ro hệ thống ngày một gia tăng, hiện tại Finsuccess chưa nhận thấy tín hiệu phục hồi từ thị trường này.
- Thị trường Trung Quốc: Finsuccess đánh giá đây là thị trường còn duy trì được đà tăng trưởng tốt hơn so với 2 thị trường còn lại khi quốc gia này mở cửa hoàn toàn.
Bức tranh xuất khẩu 2022 và triển vọng một số nhóm ngành
1. Kỳ vọng thủy sản sẽ quay lại đà phục hồi từ Q3/2023
Năm 2022 đánh dấu một năm xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục, trong đó xuất khẩu tôm đạt 4.4 tỷ (+14% YoY) và xuất khẩu cá tra đạt 2.5 tỷ (+65% YoY). Tuy nhiên giá trị xuất khẩu có dấu hiệu sụt giảm từ Q3/2022 do giá cá xuất khẩu thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh (2 thị trường tiêu thụ cá lớn nhất). Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,8 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện tại hầu hết các nhóm mặt hàng thủy sản của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra năm vừa rồi đã có một năm ăn nên làm ra khi doanh thu đều tăng trưởng trên 35%, biên lợi nhuận có xu hướng nở ra trong năm 2022 nhờ giá cá tra tăng khoảng 30% so với đầu năm 2021. Khó khăn đang bủa vây nhưng vẫn đang chờ đợi các tín hiệu tích cực hơn từ thị trường Trung Quốc, bên cạnh Trung Đông cũng được đánh giá là một khu vực kinh tế ổn định trong năm 2023 và cũng là thị trường tiêu thụ cá tra tiềm năng. Hiện tại, thị trường này mới chỉ chiếm 6% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Trong khi đó xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm mạnh trong tháng 3/2023. Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc giảm xung quanh mức 20%, xuất khẩu sang Mỹ, EU, Trung Quốc giảm sâu hơn khoảng 40%. Hiện tại Nhật Bản là thị trường lớn nhất với hơn 17% tổng kim ngạch và dự báo sẽ duy trì ổn định, tuy nhiên xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2023 sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh trực tiếp với Ecuador và Ấn Độ về giá thành.
2. Xuất khẩu dệt may tiếp tục gặp khó nhưng đã có những dấu hiệu phục hồi đầu tiên xuất hiện
Tình hình 3 tháng năm 2023, dệt may ước đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do khó khăn về đơn hàng, giá nhiên liệu tăng cao… khiến xuất khẩu ngành dệt may lao dốc. Tuy nhiên nhìn vào các thị trường chủ lực trong 3 tháng đầu năm có sự phục hồi trở lại trong hoạt động sản xuất khi PMI đều đang cải thiện, tuy nhiên các dấu hiện này vẫn chưa phản ánh được xu hướng rõ ràng.
Tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp gồm STK với lợi thế thượng nguồn sẽ hưởng lợi đầu tiên khi thị trường phục hồi và một số doanh nghiệp có câu chuyện riêng khác như TNG với tiềm năng từ thị trường Trung Quốc mở cửa.
3. Xuất khẩu gỗ chưa có dấu hiệu phục hồi trong năm 2023
Theo số liệu GSO, ba tháng đầu năm 2023 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,8 tỉ USD giảm 30% so với cùng kỳ do thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ giảm mạnh. Hiện tại triển vọng ngành tiếp tục gặp khó khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vô tình lại tạo sự cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào thị trường Hoa Kỳ trong khi đó sức mua vẫn chưa có dấu hiệu quay lại do thị trường bất động sản đứng yên và lãi suất cho vay mua nhà vẫn neo cao.
Hiện tại cổ phiếu nhóm gỗ và các sản phẩm liên quan đều đã giảm mạnh do đã phản ánh hợp lý sự suy yếu của ngành trong thời gian vừa qua, Finsuccess đề xuất nhà đầu tư vẫn cần những tín hiệu rõ ràng hơn để đầu tư vào cổ phiếu ngành gỗ.
Tóm lại
Tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong nửa năm đầu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, Finsuccess khuyến nghị nhà đầu tư cần chờ đợi các tín hiệu vĩ mô quan trọng trong thời gian tới bao gồm CPI, Lãi suất, sức tiêu thụ người dân từ các đối tác lớn để có những quyết định đầu tư phù hợp, xuất khẩu sẽ là một case đầu tư lý tưởng với đặc thù những cơn sóng mạnh sẽ mang lại phần thưởng xứng đáng cho những nhà đầu tư nắm bắt được thời cơ.