-
Chi phí đầu vào
-
Chi phí nhiên liệu:
-
Chi phí nhiên liệu sử dụng cho ngành hàng không chủ yếu là xăng máy bay (Jet kerosene) được sản xuất bằng cách chưng cất dầu thô. Do đó, giá của loại xăng này có sự tương quan rõ rệt so với giá dầu thế giới.
Theo thống kê từ FiinSuccess, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30-40% tổng chi phí của các hãng bay. Do đó, việc giá dầu biến động sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp này.
-
Đội bay:
Hiện các hãng bay phải mua hoặc thuê máy bay từ các công ty sản xuất máy bay trên thế giới. Boeing, Airbus, ATR là các nhà cung cấp yêu thích được các hãng bay lựa chọn cho đội bay của mình.
Qua cơ cấu đội bay của các hãng hàng không, có thể thấy Airbus là dòng máy bay được sử dụng nhiều nhất nhờ vào thiết kế ngắn gọn phù hợp với các chuyến bay nội địa, giúp nâng cao tỷ lệ lấy đầy (Load Factor) trên mỗi chuyến bay. Ngoài ra, dòng máy bay này còn giúp tiết kiệm 3.5-4% chi phí nhiên liệu nhờ vào thiết kế cánh cong cùng nhiều thay đổi ở phần lõi cứng.
-
Nhân công:
Đối với ngành vận tải hàng không Việt Nam, chi phí nhân công chiếm tỷ trọng khá nhỏ, khoảng 11-12% so với con số hơn 30% của các hãng hàng không nước ngoài. Nguyên nhân đến từ mức lương của phi công tại Việt Nam – chiếm khoảng 70% chi phí nhân công - chỉ bằng khoảng 25% so với thế giới. Ngoài ra, mức lương bình quân tại Việt Nam cũng được ghi nhận thấp hơn so với thế giới
-
Chi phí khấu hao và dịch vụ mua ngoài:
Khung phí dịch vụ sân bay đã tăng mạnh kể từ khi ra QĐ 2345/QĐ-BGTVT với mức giá dịch vụ bình quân ở cảng quốc tế gấp 5 lần cảng nội địa. Việc nhu cầu bay trên thị trường tăng cao bắt buộc ACV phải tăng giá dịch vụ để có đủ kinh phí tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Tỷ trọng chi phí khấu hao ở 2 hãng bay Vietnam Airlines và Vietjet có sự khác biệt lớn. Nguyên nhân đến từ sự khác nhau ở mô hình kinh doanh của hai hãng bay này. Vietjet hoạt động theo mô hình hàng không giá rẻ (Low cost Carrier – LCC) trong đó phần lớn đội bay của doanh nghiệp được tài trợ bằng nghiệp vụ “Sales and Leaseback”.
Với nghiệp vụ này, doanh nghiệp có thể ghi nhận phần doanh thu từ thương mại máy bay, đồng thời không phải ghi nhận nợ vay hay chi phí khấu hao, giúp bảng cân đối kế toán lành mạnh hơn
-
Đầu ra
Cơ cấu doanh thu đầu ra của ngành hàng không Việt Nam khá tương đồng với thế giới, với doanh thu đến từ vận tải hàng không chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Ngoài ra, Vietjet còn có khoản doanh thu từ hoạt động phụ trợ như cung cấp đồ ăn, thức uống,… trên máy bay. Lý do đến từ việc mô hình LCC của Vietjet loại bỏ việc cung cấp các dịch vụ không cần thiết nhằm tối ưu chi phí cho khách hàng, các khách hàng phải trả thêm nếu muốn sử dụng dịch vụ này.
Trong tương lai, mảng doanh thu phụ trợ còn dư địa tăng trưởng cao khi GDP per capita tăng, người tiêu dùng sẽ ưu tiên sự thoải mái, tiện lợi trong quá trình di chuyển, đặc biệt là trên các chuyến bay đường dài.
Vietjet còn có doanh thu từ bán máy bay nhờ vào nghiệp vụ Sales and leaseback. Cụ thể, sau khi đặt cọc mua máy bay từ nhà sản xuất, Vietjet sẽ tiến hành bán và chuyển giao các giấy tờ sở hữu máy bay này cho công ty cho thuê, rồi dùng chính số tiền nhận được thanh toán cho các nhà sản xuất máy bay. Sau đó, hãng sẽ thuê lại máy bay từ bên cho thuê và trả số tiền cố định hằng tháng.
Có thể thấy có rất nhiều yếu tố tác động đến kết quả kinh doanh cũng như biên lợi nhuận của ngành vận tải hàng không. FiinSuccess sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật những sự thay đổi trong các yếu tố này, cũng như đánh giá ảnh hưởng của chúng lên doanh nghiệp.