1/ Tổng quan doanh nghiệp:
Được thành lập từ năm 1988, cho đến nay, Vinaconex đã trở thành một trong những doanh nghiệp xây dựng hàng đầu VN. VCG được biết đến như một nhà thầu trong các dự án cơ sở hạ tầng, đầu tư công,… và cũng sẽ là một doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều trong bức tranh đầu tư công giai đoạn 2023 – 2025. Ngoài xây lắp, VCG còn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư BĐS, đầu tư tài chính, nhưng biên lợi nhuận của mảng này chưa cho thấy sự hiệu quả khi còn tương đối khiêm tốn, so với mảng kinh doanh chính của họ. Từng thuộc sở hữu của Nhà nước, cuối năm 2019 đã diễn ra thương vụ thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước tại Vinaconex (VCG) như Viettel, Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tổng số cổ phần đấu giá bởi SCIC được chuyển nhượng về tay của “nhóm cổ đông tư nhân An Quý Hưng”, mở ra một chương mới cho doanh nghiệp xây dựng này.
2/ Cơ cấu cổ đông:
Cho đến hiện tại, Pacific Holdings vẫn đang là cổ đông lớn nhất của VCG với 56.19% sở hữu. Dự kiến cổ đông này sẽ tiếp tục bán 19,9 triệu cổ phiếu theo hình thức giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận trong thời gian từ 12/04 – 11/05/2023. Ngoài ra một số cổ đông lớn khác của VCG có thể kể đến như VanEck ETF, BIDV, và Techcombank với lần lượt 2.14%, 0.45% và 0.36% tỷ lệ sở hữu.
3/ Bức tranh tài chính của doanh nghiệp:
Nhìn chung, VCG là một doanh nghiệp nền tảng sức khỏe tài chính tương đối an toàn, với tài sản chủ yếu là tài sản ngắn hạn, phân bổ ở khoản mục hàng tồn kho đối với các dự án BĐS. Mặt khác, nợ vay của VCG chủ yếu là các khoản vay ngắn – dài hạn tại các ngân hàng lớn như BIDV, Sacombank để đầu tư vào dự án, có lấy dự án làm tài sản đảm bảo.
Doanh thu thuần trong năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, đạt 8.452 tỷ (+50%svck). Nguyên nhân chính đến từ việc các gói thầu cao tốc Bắc – Nam và các dự án lớn như sân bay Long Thành bắt đầu thực hiện từ 2022. Doanh thu từ hoạt động xây lắp chiếm tỉ trọng lớn với 72%, bên cạnh đó có sự tăng trưởng doanh thu đến từ hoạt động Bất động sản (+284% yoy) và Giáo dục (+48% yoy). Tuy nhiên trong giai đoạn này, với việc giá nguyên vật liệu và chi phí lãi vay tăng cao, biên lợi nhuận gộp của VCG, đặc biệt ở mảng chủ lực là xây lắp chưa được tối ưu.
4/ Hoạt động kinh doanh
a/ Mảng xây lắp:
Một số dự án hạ tầng mà VCG đang thực hiện:
VCG được Bộ GTVT chỉ định tham gia vào 4 gói thầu thành phần của dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2. Tổng giá trị của bốn gói thầu này lên tới 18.000 tỷ, và sẽ là dự án trọng điểm mang về nguồn doanh thu trong giai đoạn tới, VCG cũng không gặp quá nhiều rủi ro về thanh toán khi chính phủ là nhà đầu tư vào dự án này. Cao tốc Bắc – Nam khởi công giai đoạn đầu 2023, đặt mục tiêu hoàn thành trong 2025 và 2026 đưa vào sử dụng, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cao tốc dự kiến sẽ mang về nguồn doanh thu tiềm năng cho VCG trong giai đoạn 2023 – 2025.
b/ Mảng BĐS:
KQKD của mảng này trong 2022 có sự tăng mạnh nhờ ghi nhận doanh thu bán hàng từ các dự án Green Diamond, KĐT Cát Bà Amatina bàn giao các dự án biệt thự, dự án khu dân cư đô thị ở Móng Cái – Quảng Ninh. Các dự án này kì vọng sẽ tiếp tục được ghi nhận vào năm 2023.
- Đối với dự án Green Diamond, mức giá bán dự kiến sẽ rơi vào khoảng 80 triệu đồng/m2, mức giá cao so với thị trường do vị trí ở trung tâm khu vực Láng Hạ - Hà Nội. Dự án sẽ được tiếp tục mở bán trong năm nay và dự kiến ghi nhận toàn bộ doanh thu vào quý III năm 2023. Doanh thu dự kiến VCG sẽ ghi nhận từ dự án này vào khoảng 2.000 tỷ.
- Dự án Cát Bà Amatina: Dự án này chiếm phần lớn trong cơ cấu hàng tồn kho và chi phí xây dựng dở dang của VCG khoảng 7.000 tỷ. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục bàn giao và hoàn thành dự án trong 2023. Tuy nhiên, Team cho rằng tốc độ bán hàng sẽ chậm, do đây thuộc phân khúc BĐS du lịch cao cấp, và việc bán hàng có thể gặp khó khăn khi lãi suất cao và du lịch đang chưa phục hồi 100% so với trước dịch.
Việc triển khai các dự án BĐS trong năm 2023 và nhu cầu BĐS vẫn sẽ còn khó khăn xung quanh những vướng mắc liên quan đến bđs, bao gồm khả năng huy động nguồn vốn từ trái phiếu để triển khai xây dựng dự án.
c/ Mảng đầu tư tài chính:
Cuối năm 2022, nhà máy thủy điện ĐắkBa đã được hoàn thành bởi Công ty CP Bách Thiên Lộc (thuộc 100% sở hữu của VCG) đã hoàn tất thi công và bắt đầu hòa lưới điện quốc gia, dự án này có thể bắt đầu ghi nhận doanh thu cho VCG từ năm 2023 trở đi. Nhà máy ĐắkBa có công suất lắp máy 30MW, điện năng trung bình 100,43 triệu kWH/năm. Dự án này dự kiến có thể mang về nguồn doanh thu khoảng 130 tỷ/ năm cho VCG
Năm 2022, khoản mục Doanh thu tài chính của VCG có sự biến động mạnh với số lãi 663 tỷ tới từ việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư tại công ty Vinaconex ITC.
Luận điểm đầu tư:
- VCG là doanh nghiệp đi đầu trong mảng xây lắp các dự án hạ tầng giao thông.
- Và với nền tảng tài sản – nợ lành mạnh, VCG sẽ là một nhà thầu tiềm năng cho các dự án hạ tầng – giao thông. Với các dự án xây lắp hạ tầng lớn, doanh thu của VCG dự kiến sẽ có mức tăng trưởng tốt trong năm nay.
- Đồng loạt ghi nhận doanh thu đến từ các dự án BĐS lớn, cộng thêm doanh thu từ nhà máy thủy điện.
- VCG sở hữu bảng cân đối kế toán lành mạnh. Tỷ lệ Nợ vay/VCSH ở mức hợp lý so với doanh nghiệp cùng ngành.
Rủi ro đầu tư:
- Dời việc đấu thầu cho dự án sân bay Long Thành qua tháng 6, ảnh hưởng đến tiến độ ghi nhận doanh thu của VCG và các chủ thầu khác
- Tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công chậm hơn kế hoạch, gặp khó khăn liên quan đến thời tiết.
- Rủi ro với thị trường BĐS tiếp tục kéo dài, không huy động được nguồn vốn triển khai.
- Các dự án BĐS của VCG, điển hình là Amatina Cát Bà thuộc dòng sản phẩm cao cấp, nên việc bán hàng có thể sẽ chậm và gặp khó.
Định giá: VCG đang giao dịch ở mức P/E 11.9. FinSuccess dự phóng mức P/E forward cho VCG trong năm 2023 là 10.85, một case đầu tư đáng chú ý khi VCG sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất từ việc đẩy mạnh đầu tư công