I. TỔNG QUAN DOANH NGHIỆP
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) có tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng Cotec được thành lập vào năm 2004. CTD hoạt động trong lĩnh vực thi công, xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và cơ sở hạ tầng. CTD đã khẳng định vị thế vững vàng khi tham gia những dự án lớn, phức tạp và đạt được hiệu quả cao như: Landmark 81, nhà máy Hòa Phát - Dung Quất,...
II. QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP
Kustocem thuộc tập đoàn Kusto Group, có trụ sở chính tại Singapore, chuyên đầu tư vào nhiều lĩnh vực như xây dựng, bất động sản và năng lượng. Bolat Duisenov giữ chức Tổng Giám đốc Kusto Việt Nam, một công ty đầu tư quốc tế và là cổ đông lớn của Coteccons.
Tháng 10/2020, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Coteccons, thay thế ông Nguyễn Bá Dương - đánh dấu giai đoạn mới của CTD kể từ thời điểm này.
Coteccons có cơ cấu cổ đông khá cô đặc, phần lớn được nắm giữ bởi nhóm Kusto Group. Ông Herwig Van Hove (TV HĐQT CTD) là Founder của 2 tổ chức lớn Vahoca và The8th Pte Ltd. Trong khi The8th Pte Ltd trực tiếp nắm giữ 10.62% cổ phẩn tại CTD, Vahoca đầu tư vào CTD thông qua Kusto Group.
III. HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Kể từ khi thay đổi cơ cấu chủ sở hữu, cấu phần doanh thu của CTD đã thay đổi theo với cơ cấu ghi nhận chuyển dịch khi mảng công nghiệp (phần lớn là các dự án có vốn FDI) chiếm tỷ lệ lớn với 50%, dân dụng khoảng 45%.
Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như nhà máy LEGO tại KCN VSIP III, Bình Dương; Tổ hợp sản xuất Ô tô VinFast – Hải Phòng; nhà xưởng FoxConn – Bắc Giang,...
CTD đang tập trung vào các dự án FDI lớn với sự đa dạng về loại hình (nhà máy sản xuất, văn phòng, trạm điện). Các dự án này không chỉ tạo cơ hội tăng trưởng doanh thu mà còn củng cố vị thế CTD trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp. Nhờ đẩy mạnh tham gia các gói thầu xây dựng công nghiệp trọng điểm trong 2 – 3 năm vừa qua, CTD hiện đã thiết lập một vị thế khá vững vàng trên thị trường. Đây là động lực quan trọng giúp CTD duy trì khối lượng backlog ở mức cao (khoảng 25.000 – 30.000 tỷ)
Từ năm 2019 đến 2023, tỷ trọng doanh thu từ mảng dân dụng giảm từ 47% xuống còn 38%. Điều này cho thấy CTD đang chuyển hướng hoặc tập trung nhiều hơn vào các mảng khác như công nghiệp hoặc hạ tầng. Trong giai đoạn 2025 – 2026, FinSuccess đánh giá nguồn việc và KQKD mảng xây dựng dân dụng của CTD sẽ ghi nhận sự phục hồi tích cực khi nguồn cung nhà ở đã ghi nhận sự cải thiện nhất định, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn như Hà Nội & TP.HCM. Dự kiến trong giai đoạn 12-18 tháng tới, nguồn cung nhà ở sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng, đến từ các dự án có sẵn, đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng và được phê duyệt pháp lý.
Số lượng nhân công gia tăng là một chỉ báo sớm phản ánh nhu cầu đầu tư và xây dựng của CTD. Tính đến Quý 3/2024, CTD đã ghi nhận 2.500 công nhân, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, khoản mục người mua trả tiền trước (Prepayments) có dấu hiệu tăng lại kể từ Q1/2024. Thống kê chỉ ra rằng, doanh thu thường có độ trễ 2-3 quý sau đó.
Giá thép và xi măng duy trì ở mức thấp đang góp phần tích cực vào việc cải thiện biên lợi nhuận của CTD. Đặc biệt, việc CTD đảm nhận nhiều hợp đồng theo mô hình Design and Build (tổng thầu thiết kế và thi công) đã hỗ trợ đáng kể trong việc nâng cao biên lợi nhuận.
Dự án Emerald68 dự kiến mở bán từ 2026, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sẽ ghi nhận đóng góp từ khoản đầu tư vào dự án khu nhà ở thương mại này.
III. TÀI CHÍNH
Cơ cấu tài sản của CTD chưa thực sự tối ưu khi hơn 50% tổng tài sản nằm ở các khoản phải thu, phản ánh mức độ phụ thuộc cao vào khả năng thu hồi công nợ. Tuy nhiên tỷ trọng đã sụt giảm đáng kể tính từ đầu năm 2023.
Trong giai đoạn 2022–2023, CTD đã thực hiện trích lập dự phòng đáng kể liên quan đến nhóm Vạn Thịnh Phát và hiện đã hoàn tất 100% trích lập. Tính đến ngày 30/09/2024, CTD ghi nhận 1.413 tỷ đồng nợ xấu, trong đó đã trích lập 605 tỷ đồng.Trong năm 2025, áp lực trích lập dự phòng dự kiến sẽ giảm nhờ các yếu tố sau:
- Lượng backlog dân dụng chủ yếu đến từ các giao dịch lặp lại (repeat sale), với các chủ đầu tư uy tín và là đối tác lâu năm.
- Tiến độ thu tiền và xử lý công nợ được quản lý chặt chẽ hơn.
- Môi trường kinh doanh cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) của CTD không duy trì sự ổn định kể từ giai đoạn COVID-19. Tuy nhiên, điều này là đặc thù phổ biến trong ngành xây dựng, do ảnh hưởng của việc bị chiếm dụng vốn từ phía các chủ đầu tư.
Tuy nhiên, có điều tích cực là năm 2023 ghi nhận lần đầu tiên CTD chi trả cổ tức kể từ khi thay đổi cơ cấu chủ sở hữu, đánh dấu một tín hiệu tích cực cho sự khởi đầu của chu kỳ “cash out” trở lại.
IV. ĐỊNH GIÁ
FinSuccess nhận định rằng với LNST năm 2025 ước đạt 500 tỷ đồng, ROE sẽ phục hồi lên mức 6%, cao nhất kể từ quý 3/2020. Theo đó, P/E forward được ước tính ở mức 13,89x và P/B forward đạt 0,85x. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh dự kiến cải thiện, FinSuccess kỳ vọng CTD sẽ có tiềm năng nâng cao biên lợi nhuận và ROE trong giai đoạn tới
Xét trong quá khứ, khi ROE dao động trong khoảng 6% - 8%, CTD thường được định giá với P/B quanh mức 0.9x – 1.0x, tương ứng với giá cổ phiếu từ 80,000 – 93,000 VNĐ/cp.