1. Tổng quan doanh nghiệp
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) tiền thân là cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý tại Quận Phú Nhuận, do Bà Cao Thị Ngọc Dung sáng lập theo định hướng của Chính phủ nhằm mục đích thương mại hóa vàng bạc đá quý, đáp ứng nhu cầu cho người dân. Trải qua hơn 37 năm kể từ ngày thành lập, PNJ hiện tại đã trở thành doanh nghiệp trang sức hàng đầu tại Việt Nam, cũng như luôn có mặt trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp sản xuất trang sức uy tín trên toàn cầu.
2. Lĩnh vực kinh doanh
Hoạt động sản xuất và kinh doanh trang sức là nguồn thu chính của Tập đoàn với các thương hiệu quen thuộc trên thị trường có thể kể đến như:
- CAO FINE JEWELLERY
- PNJ Gold
- Style by PNJ
- PNJ Silver
Trong đó, CAO FINE JEWELLERY thuộc nhóm trang sức cao cấp nhất của PNJ, và các thương hiệu còn lại theo thứ tự phục vụ phân khúc thu nhập trung bình đến thấp. Bên cạnh kinh doanh trang sức, PNJ còn kinh doanh đồng hồ dưới thương hiệu PNJ Watch và cung cấp các dịch vụ kiểm định trang sức cho khách hàng có nhu cầu.
3. Cơ cấu Ban lãnh đạo
Bà Cao Thị Ngọc Dung là người sáng lập và thổi lửa cho PNJ từ những ngày đầu tiên. Là người có công lớn nhất đưa PNJ trở thành doanh nghiệp trang sức có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, bà đã định hướng cho một chiến lược phát triển bền vững, đặt lợi ích xã hội và lợi ích khách hàng vào trong lợi ích doanh nghiệp.
Năm 2018, Bà Dung thôi giữ chức giám đốc điều hành trực tiếp và chuyển giao cho ông Lê Trí Thông đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch HĐQT. Với bề dày kinh nghiệm và chuyên môn vững chắc ở các vị trí cao trước đó, ông tiếp nối ngọn lửa và thổi những làn gió mới vào tập đoàn với hàng loạt các biện pháp tái cấu trúc nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất và tối ưu hóa các kênh bán hàng.
4. Cơ cấu HĐQT
Cơ cấu cổ đông được đánh giá hài hòa về mặt lợi ích, Ban lãnh đạo bao gồm bà Dung và người thân liên quan sở hữu tỷ lệ khoảng 15%. Các quỹ ngoại bao gồm Dragon Capital và Vina Capital lần lượt nắm 9,65% và 4,31%, quỹ Vanguard International Value Fund chiếm 5,06%. Nhìn chung, cơ cấu cổ đông tại PNJ lành mạnh và đa dạng.
5. Cơ cấu doanh thu và tình hình kinh doanh 9 tháng năm 2024
5.1 Cơ cấu doanh thu
Sở hữu hệ thống phân phối trên hầu hết các tỉnh thành cùng với bộ nhận diện thương hiệu được người dân biết đến, nhóm trang sức đóng vai trò chính trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn. Từ năm 2017 - 2021, PNJ ghi nhận tăng trưởng lũy kế doanh thu đạt 15,52%, trong đó mảng bán lẻ ghi nhận tăng trưởng 19,2%, khẳng định sự thành công trong việc xây dựng mô hình bán lẻ và sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Đặc biệt, sau năm 2022, sức mua thị trường bùng nổ sau khoảng thời gian cách ly, cộng hưởng thêm hiệu ứng giá vàng khiến giao dịch trở nên sôi động. Doanh thu tập đoàn lập kỷ lục với mức tăng trưởng 73% và LNST tăng 75,89%. Đến năm 2023, sức mua cho nhóm hàng hóa không thiết yếu trên toàn thị trường sụt giảm do điều kiện kinh tế thu hẹp, doanh nghiệp cũng ghi nhận một năm không khả quan.
5.2 Tình hình kinh doanh 9 tháng năm 2024
Bước sang năm 2024, vẫn chưa có sự khởi sắc, PNJ ghi nhận doanh thu đạt 29.242 tỷ đồng và LNST đạt 1.382 tỷ, lần lượt tăng 25,1% và 3,2% so với cùng kỳ. Trong đó:
5.2.1 Tình hình kinh doanh Q3/2024
Q3/2024 ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 7.130 tỷ và 216 tỷ, lần lượt tăng 3,1% YoY và giảm 14,8% YoY. Lý do cho sự sụt giảm lợi nhuận chủ yếu đến từ mức chi phí SG&A đóng góp nhiều hơn do trong kỳ doanh nghiệp cần thực hiện các chiến dịch quảng cáo vào cuối năm, cũng như các chi phí phát sinh khi mở mới cửa hàng.
Biên lợi nhuận gộp quay trở lại mức 17,54%, cải thiện 2 điểm % so với quý trước và 0,2 điểm % so với cùng kỳ. Trong Q3/2024, PNJ mở thêm 13 cửa hàng PNJ Gold, nâng tổng số cửa hàng mở mới từ đầu năm là 18 cửa hàng.
5.2.2 Tình hình kinh doanh T9/2024
Doanh thu tháng 9 đạt 2.376 tỷ, tăng 5,55% so với cùng kỳ. Trong đó:
Lợi nhuận sau thuế đạt 101 tỷ, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp trong tháng đạt 17,55%.
- Mảng bán lẻ đạt 1.698 tỷ, tăng 33,69% so với cùng kỳ.
- Vàng 24k đạt 350 tỷ, giảm 52,07% so với cùng kỳ.
- Mảng sỉ đạt 306 tỷ, tăng 35,54% so với cùng kỳ.
6. Luận điểm đầu tư
6.1 Nhóm trang sức cưới hỏi bước vào những giai đoạn cao điểm cuối cùng
Theo ước tính FISC, tỷ trọng doanh thu của nhóm trang sức cưới tại PNJ chiếm tỷ trọng 11% - 30% cơ cấu doanh thu. Với tình trạng dân số trong độ tuổi kết hôn, toàn ngành nói chung đang ở trong giai đoạn cuối cùng của thời kỳ dân số vàng, sau đó giảm dần trong các năm tiếp theo.
6.2 Thị phần trang sức thương hiệu còn nhiều dư địa phát triển
Ước tính thị trường trang sức tại Việt Nam năm 2023 khoảng 1,2 tỷ USD và quy mô lên khoảng 1,51 tỷ USD với CAGR 2,91% mỗi năm. Hai động lực chính thúc đẩy bao gồm (1) sự tăng trưởng trong thu nhập của người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và thượng lưu trong các năm tiếp theo, và (2) xu hướng lựa chọn các thương hiệu trang sức có uy tín thay cho các hộ kinh doanh riêng lẻ.
6.3 Dự báo sức tiêu thụ phục hồi từ vùng đáy, PNJ hưởng lợi nhờ vị thế dẫn đầu
Theo phân tích của ITA, xu hướng mua sắm trang sức thời trang trong thời gian tới vẫn tập trung nhiều nhất ở phái nữ trong độ tuổi từ 18 – 22, có mức thu nhập trung bình tương ứng với các sản phẩm trang sức có giá dao động quanh 5 – 8 triệu/sản phẩm.
Chúng tôi tiến hành phân tích ba thương hiệu trang sức thời trang hàng đầu Việt Nam gồm Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý SJC (SJC), Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, và PNJ. Tổng quan cho thấy PNJ đang hoàn toàn dẫn đầu về công nghệ sản xuất, thương hiệu, số lượng cửa hàng và chỉ đứng sau DOJI về quy mô doanh thu.
Lũy kế 9 tháng, nhóm bán lẻ PNJ ghi nhận tăng trưởng 16% trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ nhóm trang sức vàng giảm 12,6%. Điều này cho thấy PNJ vẫn đang gia tăng được tệp khách hàng mới trong khi chi tiêu của nhóm khách hàng cũ chưa phục hồi.
7. Định giá và Rủi ro đầu tư
Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2025 đạt 1.993 tỷ, tương đương mức tăng trưởng 19,79%. P/E forward đạt 13,1, tương đương với giá mục tiêu là 116.000 đồng/cổ phiếu. PNJ hoàn toàn là một case đầu tư để anh chị lưu ý trong khoảng thời gian diễn ra mùa cao điểm mua sắm Q4/2023.
Tuy nhiên, PNJ vẫn phải đối diện một số rủi ro bao gồm sự gia tăng mạnh trong các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp khiến lợi nhuận tiêp tục bị thu hẹp nếu nhưu không thể bù đắp bằng tăng trưởng doanh thu các tháng tiếp theo, yếu tố thứ 2 là sự khó khăn trong khâu thu mua đầu vào do khan hiếm nguyên vật liệu trên thị trường đặc biệt là nguyên liệu vàng do tâm lý phía cung không muốn bán ra thị trường, tuy nhiên thì tâm lý này đã giải tỏa phần này vào những tuần đầu tháng 11/2024 khi giá vàng giảm mạnh khiến người dân đổ xô thanh lý.
Hi vọng PNJ sẽ là một case đầu tư thành công cho năm 2025, cảm ơn anh chị đã quan tâm!