1/ Tổng quan doanh nghiệp:
1.1/ Lịch sử hình thành
Được thành lập từ năm 1955, qua những lần tái cơ cấu và thay đổi, hiện tại PLX đang trở thành một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu tại khâu hạ nguồn lớn nhất Việt Nam. PLX hiện có mặt tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước và là nhà cung cấp đối với đa dạng sản phẩm như E5 RON 92, xăng RON 95, dầu DO,.... Những cột mốc nổi bật của PLX có thể kể đến như:
-
Năm 1995: Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được thành lập lại theo Quyết định số 224/TTg ngày 17/04/1995 của Thủ tướng Chính phủ.
-
Năm 2011: Hình thành Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) từ việc cổ phần hóa và cấu trúc lại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam; Chào bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)
-
Năm 2017: Chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX) với mã "PLX"
-
Năm 2018 - 2023: Ký hợp đồng hợp tác - liên kết với nhiều đơn vị lớn như EVN, Vietcombank, HDBank, FPT, Vinfast, và đối tác nước ngoài như ENEOS
1.2/ Cơ cấu doanh nghiệp:
PLX có nhiều công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nổi bật như 45 công ty con kinh doanh xăng dầu (XD), PLC (hóa dầu), hay PGC (mảng Gas), làm cơ cấu doanh thu đa dạng hơn
1.3/ Mô hình kinh doanh - chuỗi giá trị:
- Khâu đầu vào: PLX có hai nguồn đầu vào chính là nhập khẩu (từ các quốc gia Châu Á), và nhập trong nước từ 2 nhà máy lọc dầu (NMLD) lớn là Dung Quất (thuộc BSR) và Nghi Sơn. Dung Quất và Nghi Sơn cung cấp khoảng 70% nguồn cung xăng dầu trong nước, trong khi PLX 30% xăng dầu thành phẩm còn lại trong nước được nhập khẩu. Trong đó biên lợi nhuận gộp (BLNG) cho việc nhập khẩu nước ngoài thấp hơn do chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm phát sinh khi nhập về. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của PLX có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến động giá dầu thế giới.
- Khâu trung gian: Xăng dầu được nhập từ 2 NMLD trong nước sẽ được vận chuyển bằng đường bộ (do công ty con là PGT thực hiện vận chuyển) đến thẳng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của PLX, và các khách hàng bán buôn của họ . Trong khi đó, xăng dầu nhập khẩu sẽ được vận chuyển đường biển về các kho cảng đầu mối, sau đó chuyển tới các kho lưu chuyển qua đường ống, và cuối cùng được vận chuyển tới khách hàng.
- Khâu thành phẩm: Xăng dầu được vận chuyển tới 5,500 cửa hàng của PLX và các khách hàng bán buôn
2/ Cơ cấu tài sản
- Là một doanh nghiệp trực thuộc nhà nước, cơ cấu tài sản của PLX an toàn và cũng phân bổ tương đối thận trọng. Tài sản có tính thanh khoản cao với Tiền - tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn(đầu tư ngắn hạn chủ yếu là các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm, ngoài ra có trái phiếu nhưng không đáng kể). Cụ thể, đến hết năm 2023, Tiền tương đương tiền của PLX là 13,379 tỷ, đầu tư ngắn hạn 16,537 tỷ, lần lượt chiếm 17% và 21% tổng tài sản.
- Từ năm 2022, hàng tồn kho (HTK) tăng mạnh. Đến cuối 2023 sản lượng hàng tồn kho duy trì mức cao với gần 15,000 tỷ, chiếm 18.5% tổng tài sản. Đầu 2022 phát sinh căng thẳng Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng mạnh (giá dầu Brent đỉnh điểm lên 120%/thùng), nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong nước phải đóng cửa khiến áp lực nguồn cung trong nước đè nặng lên PLX. Trong bối cảnh đó, PLX đã phải tăng nhập khẩu xăng dầu giá cao trong giai đoạn NSR ngưng hoạt động vì khó khăn tài chính. Chúng tôi cho rằng HTK tăng cùng sức chứa lớn của PLX có thể là bản lề để doanh nghiệp mở gia tăng thị phần trong những năm tới.
- So với các doanh nghiệp cùng ngành, PLX nắm trong tay nhiều lợi thế lớn như (1) Sức chứa kho xăng dầu lớn giúp tích trữ lượng lớn HTK; (2) Số lượng cửa hàng vượt trội trên thị trường với 5,500 cửa hàng; (3) Có nhiều cửa hàng COCO (cửa hàng trực thuộc) hơn so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, mang lại biên lợi nhuận tốt hơn so với các doanh nghiệp có DODO chiếm phần lớn.
3/ Kết quả kinh doanh khởi sắc sau dịch bệnh:
- Sau giai đoạn covid và 2022, miếng bánh thị phần nghiêng về các doanh nghiệp đầu ngành như PLX nhiều hơn. Điều đó thể hiện vào doanh thu của PLX trong năm 2022, đạt "all-time high" với 304 nghìn tỷ, năm 2023 thấp hơn nhưng cũng đạt trên 274 nghìn tỷ - một mức cao hơn nhiều so với giai đoạn trước covid. Tuy nhiên những năm này PLX có tỷ trọng nhập khẩu cao nên biên lợi nhuận chưa tối ưu. Chúng tôi kì vọng biên lợi nhuận sẽ cải thiện từ 2024, với việc sản lượng được dự báo tăng trưởng tăng 5%/năm và các NMLD trong nước hoạt động ổn định.
- Lợi nhuận sau thuế năm 2023 tăng 60,4% so với năm 2022, trong đó có khoản lợi nhuận đầu tư tài chính tới từ việc ghi nhận khoản thoái vốn PGB, thu về lợi nhuận 645 tỷ. Với lợi nhuận tích cực của năm 2023, PLX dự kiến sẽ trình Đại hội đồng cổ đông trong cuộc họp 2024 về việc sẽ trả cổ tức năm 2023 tỷ lệ 15%.
4/ Góc nhìn đầu tư:
4.1/ Luận điểm đầu tư:
- PLX có tiềm năng chiếm lĩnh thị phần từ các DN vừa và nhỏ trên thị trường, mang lại triển vọng về sản lượng và doanh thu
- Biên lãi gộp dự kiến cải thiện từ 2024 nhờ việc các NMLD hoạt động ổn định. NMLD Dung Quất có đợt bảo dưỡng từ tháng 3/2024, tuy nhiên thời gian là 48 ngày, ngắn hơn Nghi Sơn năm 2023 với 55 ngày
- Cơ chế xăng dầu có tính thị trường hơn, góp phần cải thiện KQKD của PLX
4.2/ Rủi ro đầu tư:
- NMLD Dung Quất và Nghi Sơn ngưng hoạt động ngoài mong muốn
- Căng thẳng địa chính trị gây biến động giá dầu thế giới
- NĐ 80 chưa thẩm thấu vào KQKD của PLX
5/ Định giá:
PLX hiện đang giao dịch quanh mức P/E trailling 16.8x so với mức P/E trung bình ngành trong khu vực quanh 18 và mức P/B 1.78, so với mức P/B trung bình trong quá khứ của PLX là 1.84. Ngoài ra, EV/EBITDA của PLX tại Q4/2023 đang quanh mức 13.15, thấp hơn so với trung bình trong 10 năm là 17.44, cho thấy mức giá của PLX hiện tại đang tương đối hấp dẫn.
Anh/chị nhà đầu tư có thể cân nhắc quan sát cổ phiếu PLX trong thời gian tới nhé, với các tình hình kinh doanh cơ bản là tốt, đây có thể là cơ hội đầu tư khi giá về vùng thấp. Ngoài ra FinSuccess còn nhiều cổ phiếu tiềm năng khác tại đây, anh chị tham khảo nhé.