-
HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Mộc Châu là một công ty chăn nuôi và kinh doanh các sản phẩm từ sữa, hoạt động chăn nuôi và khai thác trực tiếp ở cao nguyên Mộc Châu, cách trung tâm HN 200km về phía tây. Sản phẩm chủ yếu được tạo ra từ sữa như: sữa tươi tiệt trùng, sữa thanh trùng, sữa chua ăn và uống… Thị trường của MCM tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc với khoảng 23% thị phần. Sở hữu những điều kiện tự nhiên thuận lợi ở cao nguyên Mộc Châu đất đai màu mỡ với khí hậu ôn đới phù hợp cho việc chăn nuôi bò sữa. Như ở hình phía trên, với điều kiện thời tiết ôn đới thuận lợi, bò ở Mộc Châu tiêu hao năng lượng ít hơn và dành hầu hết chất dinh dưỡng để tạo sữa (khoảng 70% lượng thức ăn tiêu thụ).
Sự kiện đáng chú ý nhất gần đây vào cuối năm 2019, MCM trở thành thành viên của Vinamilk và quá trình tái cơ cấu đã có những kết quả ấn tượng.
Về cơ cấu cổ đông, Mộc Châu là công ty con và chịu sự chi phối của Vinamilk. Sau sự kiện Vinamilk thâu tóm GTNFoods, và sự sáp nhập giữa VLC và GTNFoods, Vinamilk đã gián tiếp sở hữu 50% cổ phần MCM và nắm 68% quyền kiểm soát tại Mộc Châu. Lãnh đạo của Vinamilk cũng ngồi những vị trí quan trọng trong Ban lãnh đạo của MCM. Bà Mai Kiều Liên – chủ tịch của VNM đang đồng thời là Chủ tịch HĐQT của MCM. Vì vậy, có thể thấy rằng Mộc Châu đang được dẫn dắt bởi những lãnh đạo vô cùng giỏi và thâm niên trong ngành sữa này.
-
TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH
Cấu trúc tài chính rất an toàn khi VCSH của MCM chiếm hơn 90% tổng nguồn vốn và không vay nợ. Năm 2021, MCM phát hành tăng vốn 1250 tỷ để mở rộng quy mô. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được triển khai nên MCM đang cầm 1 lượng tiền mặt rất lớn khoảng 1600 tỉ (bao gồm tiền & tương đương tiền và đầu tư ngắn hạn). Lượng tiền huy động tăng vốn MCM đầu tư mang lại khoảng 100 tỷ/năm (lợi suất 8%/năm). MCM hưởng lợi trong môi trường lãi suất cao.
Hoạt động kinh doanh của MCM rất ổn định khi doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm. Kết thúc năm 2022, MCM ghi nhận doanh thu 3,133 và 347 tỷ đồng LNST, CAGR cho doanh thu và LNST lần lượt là 5.43% và 9.26% trong 6 năm qua.
Chất lượng thu nhập (Earnings Quality) cũng rất tốt khi dòng tiền kinh doanh mạnh và bền vững quá các năm. Tuy nhiên, điểm yếu của doanh nghiệp dường như là HĐKD quá an toàn khi dòng tiền kinh doanh hầu hết dùng để trả cổ tức từ 2016.
Hiệu suất hoạt động và khả năng sinh lời của MCM vô cùng ấn tượng với vòng quay tổng tài sản và ROE lần lượt là 1.28 và 16% năm 2022. Con số này thậm chí cao hơn rất nhiều trước khi tăng vốn.
-
LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ VÀ ĐỊNH GIÁ
NHIỀU DƯ ĐỊA CẢI THIỆN BIÊN LỢI NHUẬN VÀ THỊ PHẦN
Kể từ khi VNM thâu tóm, biên lợi nhuận gộp của MCM cải thiện vô cùng ấn tượng từ mức dưới 20% trước năm 2019 lên 32% năm 2022, thậm chí có lúc chạm mức gần 35%. Và xu hướng này khả năng vẫn tiếp diễn khi cty mẹ Vinamilk vẫn đang có mức biên gộp hơn 40%.
Ngoài ra, thị phần của MCM cũng có dư địa cải thiện và mở rộng ra các khu vực khác. Theo MCM, thị phần miền Bắc của công ty đã tăng lên 23% cuối 2021. Điều này cho thấy rằng MCM đang đc định hướng phù hợp và thị trường của doanh nghiệp ngày càng mở rộng. Thậm chí xa hơn MCM có thể mở rộng thị trường ra các các vùng khác khi tận dụng đc kênh phân phối của Vinamilk.
KẾ HOẠCH NHÂN ĐÔI CÔNG SUẤT GIAI ĐOẠN 2021-2025
Đây có lẽ là động lực tăng trưởng mạnh nhất trong dài hạn khi MCM dự định nhân đôi công suất của mình. Theo kế hoạch của MCM, đến năm 2025, số lượng bò dự kiến lên tới 40,000 – 50,000 con bò, gần gấp đôi số lượng hiện tại. Trong 2022, MCM đã đầu tư 1 máy A3 speed 130 tỷ để tăng công suất dây chuyền sản xuất sữa. Hiện tại, dây chuyền sản xuất sữa của MCM gồm có 2 máy A3 speed (công nghệ mới) và 2 máy TBA 19 (công nghệ cũ). Trong tương lai MCM sẽ thay thế 2 máy TBA 19 này.
Cụ thể về kế hoạch mở rộng trang trại:
- Nâng cấp trang trại hiện hữu từ 1,600 con lên 2,000 con
- Xây dựng dựng trang trại công nghệ cao quy mô 4000 con kết hợp du lịch sinh thái
- Mở rộng liên kết nông hộ, tăng lên 700 hộ và 35,000 con bò
TRIỂN VỌNG NGÀNH VÀ MỨC ĐỊNH GIÁ HẤP DẪN
Nếu nhìn vào mức tiêu thụ sữa đầu người, có thể thấy người dân Việt Nam vẫn tiêu thụ sữa rất hạn chế, nguyên nhân có thể do GDP đầu người của chúng ta vẫn chưa cao. Nhưng với dự phóng GDP tăng trưởng 6-7% trong nhiều năm tới, chắc chắn nhu cầu về sữa sẽ tăng trưởng mạnh hơn khi vấn đề sức khỏe và con người được quan tâm hơn. Các nước có nét tương đồng về địa lý, văn hóa hay GDP với Việt Nam đa số đều có mức tiêu thụ sữa lớn hơn chúng ta rất nhiều
Tuy nhiên, theo Euromonitor dự phóng, ngành sữa Việt Nam chỉ tăng trưởng 5.7%/năm CAGR đến 2026, tức là thấp hơn tăng trưởng GDP. Điều này có thể thấy, chiến lược của các doanh nghiệp ngành sữa trong ngắn hạn sẽ thiên về cạnh tranh thị phần hơn.
Nói về định giá của Mộc Châu, hiện tại doanh nghiệp đang được định giá ở mức PE 12.3 lần, thấp hơn mức trung bình là 15 lần. Mộc Châu đang có rất nhiều yếu tố để thị giá gia tăng mạnh mẽ trong dài hạn
- Mức định giá hấp dẫn so với quá khứ. Hơn nữa, việc nhân đôi công suất và cải thiện biên lợi nhuận có thể giúp MCM tăng trưởng lợi nhuận rất nhiều sau khi hoàn thành dự án.
- Mức định giá trung bình của MCM hoàn toàn có thể tăng khi doanh nghiệp này về cùng nhà Vinamilk vì thông tin của Mộc Châu sẽ minh bạch và rõ ràng hơn. Ngoài ra, một số rumour rằng MCM sẽ được niêm yết lên sàn HOSE trong 2023 cũng là một điểm “cởi nút thắt” định giá của MCM. Định giá của Mộc Châu sẽ là đáp án mở cho kỳ vọng của từng NĐT.
-
RỦI RO
Nói đi cũng phải nói lại, MCM vẫn có một số điểm yếu nhất định trước khi cân nhắc đầu tư:
- Thanh khoản tương đối thấp: khối lượng giao dịch trung bình ngày của MCM khá khiêm tốn kể từ đầu 2023 chỉ dưới 20,000 cổ phiếu/ phiên.
- Tiến độ dự án chưa rõ ràng: khá khó nắm bắt tiến độ dự án khi thông tin về MCM còn hạn chế. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc xác định thời gian để mua cổ phiếu hợp lý
- Cạnh tranh với sữa ngoại: Khi Việt Nam gia nhập các hiệp định tự do thương mại FTA, các hãng sữa ngoại sẽ xâm nhập cạnh tranh trong nước vì vậy sữa nội nói chung và MCM nói riêng cần phải thận trọng và chuẩn bị kỹ càng
- Thông tin về doanh nghiệp chưa nhiều: vì doanh nghiệp niêm yết trên sàn upcom nên lượng thông tin về MCM vẫn còn hạn chế và khó tiếp cận. Tuy nhiên trong thời gian tới, với việc là công ty con của VNM và niêm yết sàn Hose thì chắc chắn rằng thông tin về MCM sẽ minh bạch hơn, nhưng lúc nó minh bạch rồi có khi lại khó có giá này nữa.
Dưới góc nhìn của cá nhân mình, những rủi ro ở MCM ảnh hưởng không thật sự đáng kể đến quyết định đầu tư MCM với tầm nhìn dài hạn.Với những động lực tăng trưởng mạnh mẽ từ nay cho đến 2025 và xa hơn là 2030, liệu MCM sẽ là chiếc túi 3 gang như Peter Lynch từng dạy?