I. Tổng quan Hanoi Milk
1. Giới thiệu HNM
Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Upcom: HNM) thành lập vào năm 2001, đến 2003 chính thức đi vào hoạt động kinh doanh. HNM hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến và kinh doanh sữa bò, sữa đậu nành và các loại sữa khác.
2006 HNM niêm yết trên sàn giao dịch HNX đến 12/6/2020 hủy niêm yết, ngay sau đó ngày 20/6/2020 niêm yết trên UPCOM và bắt đầu giao dịch tại đây.
Hanoimilk khẳng định được vị trí của mình với những sản phẩm sữa mang thương hiệu IZZI, YOTUTI, Sữa tươi HanoiMilk 100% và Sữa chua HanoiMilk. Sản phẩm được biết đến rộng rãi nhất là sữa tiệt trùng IZZI.
Hiện công ty được sở hữu lớn nhất bởi: Chủ tịch HĐQT Hà Quang Tuấn (31.07%), Hoàng Văn Thuật (24.13%), CTCP Hoàng Mai Xanh (do Hà Quang Tuấn làm Chủ tịch HĐQT: 12.5%).
II. Cơ cấu vốn và tài sản
1. Cơ cấu vốn
Đầu tháng 7/2023, Hanoimilk hoàn tất đợt phát hành 24,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Chào bán 14,4 triệu cổ phiếu cho 3 chủ nợ để hoán đổi nợ thành cổ phần với tỷ lệ 10.000 đồng nợ đổi 1 cổ phiếu. Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT (97 tỷ), CTCP Hoàng Mai Xanh (43 tỷ) và thành viên HĐQT Phạm Tùng Lâm (4 tỷ).
Còn lại, phát hành 10 triệu cổ phiếu cho một nhà đầu tư cá nhân.
Việc hoán đổi này không đổi lại tiền mặt nhưng giúp cơ cấu vốn hợp lý hơn với tỷ lệ nợ/tổng tài sản là 1/3 vào năm 2023, đây là một trong những định hướng giúp công ty sử dụng tài sản hiệu quả hơn.
2. Cơ cấu tài sản
Tài sản ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu tổng tài sản của HNM, dù cho 2023 tăng hơn 30% vào tài sản dài hạn, đạt khoảng 700 tỷ đồng. Việc tăng tài sản dài hạn này chủ yếu đến từ mua máy móc, thiết bị cho nhà máy.
III. Hoạt động kinh doanh cải thiện từ 2022
1. HNM hoạt động chủ yếu trong 2 mảng, sản xuất kinh doanh sữa và mảng gia công
ĐẦU VÀO: Nguồn sữa bột và các loại phụ gia, hương vị nhập khẩu từ New Zealand, Đan Mạch bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, thông qua công ty TNHH Việt Phát (DPT).
ĐẦU RA: Hanoimilk có mô hình bán hàng chuyên nghiệp trên toàn quốc bao gồm:
- 70 nhà phân phối
- 45.000 cửa hàng, đại lý chính
- 465 đại lý lớn (siêu thị, siêu thị nhỏ)
- 500 trường học, bệnh viện, nhà máy.
Năm 2022 theo Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm sữa tươi được sản xuất trung bình 5 năm khoảng 1300 triệu lít/năm. Như vậy có thể dự kiến 2024 HNM sản xuất ~6% tổng sản lượng.
Mảng gia công đang chiếm 50% doanh thu với biên lợi nhuận 20%, vậy liệu trong năm 2024 này hướng đi của HNM như thế nào? Các đối tác gia công có tiếp tục tăng đơn đặt hàng để lắp đầy sức sản xuất của nhà máy hay không? Và lợi nhuận mảng này liệu có cao hơn mảng sản xuất kinh doanh sữa hay không?
2. Doanh thu bứt phá kể từ 2022 với tín hiệu tốt từ mảng gia công
Doanh thu 2022 tăng 178% so với năm 2021 nhờ tăng doanh số bán hàng và gia công (gia công được đẩy mạnh từ 2020) → lợi nhuận đạt 7,85%. Đến 2023 doanh thu tiếp tục đạt đỉnh 704 tỷ, tuy nhiên lợi nhuận chỉ chiếm 6%, khoảng 42 tỷ, do giá vốn nguyên liệu tăng gấp 1.5 lần (cả sữa bột nguyên kem và bao bì sản phẩm).
Lợi nhuận sau thuế đảo chiều từ 2021 có tín hiệu dương sau nhiều năm lỗ ròng rã. Tuy vậy đến 2023 vẫn còn 360 triệu lỗ lũy kế đã xuất hiện dai dẳng trên báo cáo tài chính từ quý III/2017 đến nay, dự kiến xóa sạch trong 2024.
Tỷ trọng doanh thu gia công tăng từ 40% lên 50% (2022-2023) với định hướng phát triển gia công ủy thác và gia công thuê → tín hiệu tốt khi mảng này có biên lợi nhuận 20%, đang cao hơn so với mảng sản xuất kinh doanh, nhỏ hơn 15%. Định hướng của chủ tịch HNM cho biết, tỷ trọng mảng gia công có thể tăng giảm tùy theo thời điểm.
IV. Dự án triển khai dự kiến hoàn thành trong 2025
1. Dự án đầu tư mở rộng nhà máy chế biến sữa Hà Nội
Mảng sữa chua:
- Nhà máy chế biến sữa Hà Nội 5ha, dây chuyền thiết bị đồng bộ của Tập đoàn Tetra Pak
- GĐ1 (hoàn thành): Tăng công suất từ 20 lên 100 tấn/ngày
- GĐ2: Khởi công 20/9/2023, công suất max dự kiến 320 tấn/ngày
- Tổng kinh phí dự kiến: 349 tỷ (triển khai 16% kế hoạch)
Mảng sữa tươi:
- Dây chuyền máy rót 110ml – A3 Speed thứ 2 đi vào hoạt động đầu năm 2024.
- Dự kiến 2025 có tổng 4 dây chuyền, x2 công suất so với hiện tại.
- Tổng kinh phí dự kiến: 144 tỷ (triển khai 50% kế hoạch)
2. Dự án trang trại nguyên liệu sạch, trồng cỏ, nuôi bò
- Trang trại bò sữa 107 ha: đã san lấp mặt bằng và dự kiến đi vào xây dựng trong 2024
- Tự cung cấp sữa cho cả sản xuất sữa tươi và sữa chua, phục vụ tham quan quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh marketing
- Tổng kinh phí dự kiến: 360.9 tỷ (triển khai 20% kế hoạch)
V. Luận điểm đầu tư
1. Động lực tăng giá đến từ chất lượng, mô hình bán hàng và chính sách đại lý tốt. Công ty định hướng đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, đã có giấy phép xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chưa tiến hành triển khai.
2. Tăng trưởng công suất năm 2024 so với 2023. Vị trí sản xuất và cung ứng đều tại Mê Linh, Hà Nội nên việc vận chuyển và bán hàng linh hoạt hơn, ít chi phí.
3. Kết quả kinh doanh đến cuối 2023 lãi 42 tỷ, trong đó lỗ lũy kế chỉ còn -360 triệu, dự kiến xóa sạch vào 2024 và bắt đầu trang mới tại đây.
4. Định giá còn rẻ, kỳ vọng thị trường định giá lại khi thấy được bức tranh hoạt động kinh doanh của HNM trong 2024 này.
VI. Định giá
Định giá HNM đang còn thấp, dưới mức trung bình 5 năm.
Kỳ vọng thị trường định giá lại khi các dự án hoàn thành theo dự kiến vào 2025, khi đó doanh thu và dòng tiền trở nên dồi dào hơn. Cộng với việc doanh nghiệp dự định dành ngân sách marketing nhiều hơn nhằm phát triển và tái tung các sản phẩm mới cho thương hiệu HanoiMilk và các thương hiệu con IZZI, Yotuti, Dinomilk, Yoha.
Hi vọng bài viết ở trên sẽ giúp anh chị nhà đầu tư có một cái nhìn tổng quan về HNM trong năm 2024 cũng như là tiềm năng hấp dẫn khi mà các dự án hoàn thành 100% vào năm 2025.
Anh chị nhà đầu tư có thể tham khảo thêm các cơ hội đầu tư tiềm năng khác tại đây nhé! Đừng quên theo dõi FinSuccess để cập nhật cổ phiếu đáng chú ý nhanh nhất nhé.