1. Phương pháp phân tích theo Top down (từ vĩ mô đến lựa chọn cổ phiếu)
Phương pháp phân tích Top Down là phương pháp phân tích từ vĩ mô đến doanh nghiệp, giống như phương pháp bạn nhìn bao quát trước khi đi vào chi tiết cái gì đó.
Chúng ta có thể sử dụng phương pháp này để phân tích bằng cách bước đầu đọc và tìm hiểu về các yếu tố vĩ mô của thế giới và Việt Nam, từ những xu hướng thế giới và Việt Nam đấy có thể xác định ra được những ngành nghề sẽ có tác động tích cực trong tương lai thông qua phân tích ngành. Cuối cùng từ một ngành được yếu tố vĩ mô tác động tích cực chúng ta sẽ đi đánh giá, phân loại để chọn ra doanh nghiệp xuất sắc nhất để tiến hành phân tích và cuối cùng là phân bổ đầu tư.
Ưu điểm của phương pháp này giúp bạn có cái nhìn tổng quan, sâu rộng với nhiều vấn đề, từ đó có thể phát hiện ra rất nhiều những cơ hội đầu tư khác nhau ở nhiều ngành nghề và nhiều doanh nghiệp tiềm năng.
Nhược điểm là đòi hỏi bạn phải có kiến thức tổng quát từ vĩ mô, đến khả năng đánh giá chuyên sâu về ngành và sau cùng là đi phân tích chi tiết về doanh nghiệp, đây là điều rất khó trong thực tế vì mỗi người có một chuyên môn, thời gian khác nhau và cũng như “vòng tròn năng lực” khác nhau.
Ví dụ thực tế về phân tích Top Down như sau: Khi môi trường lạm phát bắt đầu tăng trong năm 2022 và kéo dài sang 2023, nhiều loại hàng hóa bắt đầu gia tăng khá mạnh, trong đó những sản phẩm như đường, dầu cũng gia tăng theo. Khi giá cả các mặt hàng này tăng thì các ngành nghề có đầu ra phụ thuộc vào giá hàng hóa này cũng tốt hơn, nhóm ngành dầu khí và ngành đường cũng tích cực hơn. Trong nhóm ngành đó chúng tôi cũng lựa chọn ra những doanh nghiệp tiêu biểu để đầu tư như QNS (giá đường tăng giúp lợi nhuận của mảng đường tăng hơn 100% trong năm 2023), và PVD (giá dầu tăng cũng đã giúp giá giàn khoan tăng gần 40% trong cuối 2022 và đầu 2023), từ đó phát sinh ra những cơ hội đầu tư.
2. Phương pháp phân tích Bottom Up (từ doanh nghiệp đi ngược lên vĩ mô)
Phương pháp phân tích Bottom Up là phương pháp bắt đầu với doanh nghiệp, sau đó sẽ phân tích ngược lại với ngành của doanh nghiệp đang hoạt động và cuối cùng là xem xét các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến ngành và doanh nghiệp như thế nào.
Đây là phương pháp được Finsuccess rất thường hay sử dụng để lựa chọn cơ hội đầu tư, do hạn chế về nguồn lực và thời gian do đó chúng ta rất thường bắt đầu với một doanh nghiệp, sau đó tiến hành phân tích ngành của doanh nghiệp đang hoạt động và cuối cùng xem xét các yếu tố vĩ mô tác động đến doanh nghiệp trước khi “xuống tiền đầu tư”.
Ưu điểm là phương pháp này đơn giản hơn, tập trung hơn và tiết kiệm thời gian hơn so với phương pháp Top down, tuy nhiên ngược với phương pháp top down là chúng ta sẽ hạn chế trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư do không có bức tranh tổng quan.
Như đã đề cập trên chúng tôi thường sử dụng phương pháp này để tiếp cận đầu tư, những công việc như đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp, quan sát và gặp gỡ từng doanh nghiệp, đi visit site về nơi doanh nghiệp hoạt động (ví dụ đếm khách tại cửa hàng BHX, hay đi hỏi các đại lý bán sắt thép của HPG) … là những ví dụ của các tiếp cận Bottom Up.
Ví dụ thực tế với case STB, chúng tôi nhận thấy Sacombank năm 2023 này dự kiến sẽ hoàn thành đề án tái cơ cấu các khoản nợ xấu hoàn thành, và kể từ 2024 trở đi lợi nhuận của ngân hàng này sẽ tăng trưởng rất tốt so với ngành, từ đó chúng tôi tiếp tục quan sát ngành và các yếu tố vĩ mô. Sau đó đưa ra quyết định mua với STB trong giai đoạn đầu 2022.
Bên trên là giới thiệu tổng quan về phương pháp phân tích theo Top Down và Bottom Up, hy vọng bài viết sẽ giúp nhà đầu tư thêm thông tin về phương pháp phân tích cơ bản, để từ đó có thể thành công hơn trên con đường đầu tư của mình.
Vậy làm cách nào để phân tích Vĩ mô và các yếu tố cần quan tâm tới khi phân tích Vĩ mô là gì? Hãy cùng Finsuccess xem qua Bài 1.2: Phân tích vĩ mô Thế giới và Việt Nam nhé!