1. Lãi suất là gì?
Lãi suất hiểu theo một nghĩa chung nhất là giá cả của tín dụng, vì nó là giá của quyền được sử dụng vốn vay trong một khoảng thời gian nhất định, mà người sử dụng phải trả cho người cho vay; là tỷ lệ của tổng số tiền phải trả so với tổng số tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định. Lãi suất là giá mà người vay phải trả để được sử dụng tiền không thuộc sở hữu của họ và là lợi tức người cho vay có được đối với việc trì hoãn chi tiêu. Vì vậy lãi suất cũng tuân theo cung cầu nguồn vốn.
Trên tầm vĩ mô, lãi suất là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô rất có hiệu quả của chính phủ thông qua việc thay đổi mức và cơ cấu lãi suất trong từng thời kỳ nhất định, làm ảnh hướng đến nền kinh tế của 1 quốc gia.
Trên tầm vi mô, lãi suất là cơ sở để cho cá nhân cũng như doanh nghiệp đưa ra các quyết định của mình như chi tiêu hay để dành gửi tiết kiệm, đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh hay cho vay hoặc gửi tiền vào ngân hàng.
Những yếu tố tác động đến lãi suất:
- Cung cầu tiền tệ: Lãi suất là giá cả sử dụng vốn vì vậy bất kỳ sự thay đổi nào của cung và cầu hoặc cả cung và cầu tiền tệ không cùng một tỷ lệ đều sẽ là thay đổi mức lãi suất trên thị trường.
- Lạm phát kỳ vọng: Khi lạm phát được dự đoán tăng trong một thời kỳ nào đó, lãi suất sẽ có xu hướng tăng. Điều này là xuất phát từ mối quan hệ giữa lãi suất thực và lãi suất danh nghĩa và để duy trì lãi suất thực không đổi. Ta có:
Lãi suất danh nghĩa = lãi suất thực + lạm phát
Lãi suất thực luôn giữ nguyên vì vậy khi lạm phát tăng thì lãi suất danh nghĩa phải tăng tương ứng
- Ảnh hưởng của bội chi ngân sách: Bội chi ngân sách ở trung ương và địa phương trực tiếp làm cho cầu tiền tăng và làm tăng lãi suất. Vì Nhà nước phải huy động thêm vốn từ ngân hàng. Ngoài ra còn tăng lạm phát kỳ vọng khi Chính phủ bội chi.
- Ảnh hưởng tỷ giá hối đoái kỳ vọng: Khi kỳ vọng đồng nội tệ mất giá mạnh, người dân sẽ có xu hướng chuyển sang các loại tiền tệ giữ giá hơn, tiêu biểu là Dollar Mỹ. Người dân bán ra VND càng làm cho nội tệ mất giá hơn. Vì vậy, các ngân hàng phải tăng lãi suất để đền bù cho sự mất giá đồng nội tệ và điều này sẽ ngăn dòng chảy tiền ra khỏi Việt Nam.
- Yếu tố khác: đời sống xã hội khác như tình hình về kinh tế, chính trị cũng như những biến động tài chính quốc tế như các cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trên thế giới, các luồng vốn đầu tư ra vào đối với các nước...
2. Phân loại lãi suất
- Lãi suất danh nghĩa: tỷ lệ biểu thị sự gia tăng của tiền sau một thời gian nhất định (thường là 1 năm) mà chưa tính đến sự thay đổi sức mua của đồng tiền.
- Lãi suất thực (real interest rate): Là tỷ lệ biểu thị sự gia tăng của tiền sau một khoảng thời gian nhất định (thường là 1 năm), đã điều chỉnh yếu tố lạm phát.
Ta có công thức: Lãi suất danh nghĩa = lãi suất thực + lạm phát
- Lãi suất tái chiết khấu và Lãi suất tái cấp vốn: Hiểu đơn giản lãi suất mà ở đó ngân hàng trung ương áp dụng cho các nghiệp vụ cấp vốn ngắn hạn cho ngân hàng thương mại thông qua việc chiết khấu các giấy tờ có giá (như Trái phiếu Chính phủ, Tín phiếu NHNN…). Lãi suất tái chiết khấu sẽ là định hướng cho lãi suất thị trường (forward guidance)..
- Lãi suất tiền gửi: là mức lãi suất NHTM công bố để trả cho người cho vay nhằm mục đích huy động nguồn vốn cho hoạt động cho mình.
- Lãi suất cho vay: là mức lãi suất mà NHTM cho vay,
- Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng: là mức lãi suất cho vay qua lại lẫn nhau giữa các NHTM, thông qua thị trường liên NH.
Ví dụ: NHTW giám sát hoạt động của các NHTM, Hằng ngày NHTW sẽ giám sát tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các NHTM nếu NH nào thiếu hụt nguồn vốn để đảm bảo cho hoạt động thanh khoản của mình thì phải đi vay thông qua các NHTM khác, sẽ phát sinh lãi suất liên NH.
3. Những chú ý khi phân tích
Việc biến động của lãi suất sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các thực thể kinh tế từ ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Khi NHNN tăng lãi suất thì các NHTM sẽ chịu chi phí vay cao hơn, các doanh nghiệp sẽ ít vay hơn hoặc chịu áp lực trả lãi khi lãi suất tăng cao, người dân cũng có xu hướng tiết kiệm ít chi tiêu hơn => giảm lợi nhuận DN và giá cổ phiếu sẽ giảm
Lãi suất là cũng ảnh hưởng tới định giá các doanh nghiệp và tương quan nghịch với định giá cổ phiếu. Hiểu đơn giản, khi môi trường lãi suất cao thì NĐT yêu cầu một mức sinh lời cao hơn, từ đó làm giảm sự hấp dẫn của cổ phiếu trong một trường hợp lợi nhuận kỳ vọng như nhau của DN.
Lãi suất cũng ảnh hưởng đến dòng tiền chảy vào các kênh tài sản. Khi NHNN có xu hướng tăng lãi suất thì các kênh đầu tư với mức lãi suất mới ấn định như tín phiếu hay trái phiếu chính phủ sẽ được xem như những kênh đầu tư hấp dẫn hơn và thường được xem là có tỷ suất sinh lời tăng thuận chiều với lãi suất thị trường. Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp bị tác động tiêu cực khi lãi suất tăng.
Cùng FinSuccess tìm hiểu các yếu tố khác tác động thị trường tài chính ở bài viết sau ở ĐÂY nhé!