Bước 1. Phân bổ vốn
Để phân bổ nguồn vốn đầu tư một cách hợp lí, điều đầu tiên bạn cần làm là xác định “gu đầu tư” hay khẩu vị rủi ro của mình - không ai hiểu rõ bạn hơn chính bạn. Tôi chia sẽ một số kinh nghiệm sau khi tiếp xúc với nhiều khách hàng của mình để bạn có cách hình dung rõ hơn về chiến lược đầu tư này:
- Dựa vào các kênh đầu tư đã từng tham gia. Nếu bạn là một người có dày dặn kinh nghiệm trong việc đầu tư các kênh tài chính khác hay đầu tư bất động sản, kinh doanh, điều này có thể là lợi thế giúp bạn tiếp cận nhanh và mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chứng khoán, tuy nhiên cũng cần cẩn trọng để tránh sự chủ quan nghĩ rằng các kênh đầu tư giống nhau. Nhưng nếu bạn chưa từng đầu tư gì cả, bạn cần chủ động nhiều hơn, nhanh hơn và cởi mở hơn vì đầu tư không giống như việc làm công ăn lương, bạn có thể đối mặt với việc bị thua lỗ bất cứ lúc nào.
- Dựa vào tính cách cá nhân. Bạn là người ưa mạo hiểm, thích các bộ môn rủi ro hay an toàn. Đây cũng là gợi ý để giúp bạn xây dựng một chiến lược phù hợp, an toàn.
- Công việc bạn đang làm. Điều này cũng khá quan trọng, bạn có thể dành nhiều thời gian học hỏi theo dõi thị trường hay bạn chỉ đơn giản muốn đầu tư không mất nhiều thời gian theo nó.
Xây dựng mục tiêu vốn dựa trên nhu cầu, điều kiện của nhà đầu tư
Sau khi định hình được “gu” của mình. Bắt đầu phân bổ nguồn lực tài chính của mình, nhưng điểm bạn cần chú ý ở bước này:
- Tiền nhiều – ít: Có kênh đầu tư sẽ cần vốn ban đầu cao, nhưng có kênh đầu tư chỉ cần số vốn thấp.
- Tính thanh khoản: Hãy ước lượng thời gian bạn chấp nhận chôn vốn ở kênh đầu tư là bao lâu: 1 tuần, 1 tháng hay 1 năm - 10 năm. Đây là điểm rất quan trọng ảnh hưởng đến phương pháp - chiến lược giao dịch của bạn.
- Vốn nhàn rỗi - đòn bẩy tài chính: Đòn bẩy tài chính được biết là con dao 2 lưỡi, vì vậy, khi đầu tư với đòn bẩy tài chính, cần lưu ý đến 2 điểm: Lãi suất và thời gian đáo hạn.
⇒ Tính thanh khoản và tỉ lệ lợi nhuận – rủi ro là điều bạn phải chuẩn bị sẵn sàng, và nhớ nguyên tắc rằng: Không bao giờ bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Bạn hãy tham khảo những kênh đầu tư phổ biến hiện nay, đặc điểm của từng kênh đầu tư để phân bổ nguồn vốn của bạn phù hợp và xây dựng một chiến lược đầu tư hiệu quả.
Bước 2. Phương pháp giao dịch
Sau khi xác định được mức vốn dự kiến đầu tư bao nhiêu và khẩu vị rủi ro như thế nào, bước tiếp theo bạn cần lựa chọn một phương pháp đầu tư phù hợp. Tôi sẽ giúp bạn khái quát về đặc điểm của hai trường phái đầu tư phổ biến hiện nay, từ đó bạn có thể dễ dàng hình dung và tìm hiểu sâu hơn về chúng:
Phân tích cơ bản
- Phân tích cơ bản một doanh nghiệp liên quan đến việc phân tích các báo cáo tài chính, đánh giá sức khỏe, các lợi thế quản lý và cạnh tranh của nó so với các đối thủ cạnh tranh trong thị trường nó. Tóm lại, tất cả cả yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN sẽ được đánh giá ở đây.
- Các công cụ được sử dụng là các chỉ số tài chính, bao gồm cả chỉ số thị trường và chỉ số của DN như doanh thu, lợi nhuận,.. Từ đó, một mô hình định giá cổ phiếu được đưa ra để tìm kiếm giá trị nội tại của DN.
⇥ PTCB quan tâm đến doanh nghiệp, kì vọng vào sự tăng trưởng trong lợi nhuận. Vì vậy, việc đầu tư dựa vào cơ bản sẽ cần thời gian để nội tại của doanh nghiệp thể hiện bằng những kết quả hoạt động kinh doanh cụ thể. Thông thường thời gian đầu tư sẽ được tính bằng năm, NĐT cần sự kiên nhẫn. Đổi lại, NĐT sẽ an tâm khi có niềm tin vào doanh nghiệp, không tốn nhiều thời gian theo dõi hay giảm tác động của những áp lực tâm lý bởi biến động thị trường ngắn hạn.
Xem thêm về FA - Phân tích cơ bản tại ĐÂY!
Phân tích kỹ thuật
- Phân tích kỹ thuật là một phương pháp phân tích dự báo hướng của giá cả thông qua việc nghiên cứu các dữ liệu thị trường quá khứ, chủ yếu là giá cả và khối lượng.
- Công cụ sử dụng là thống kê diễn biến giá cả và khối lượng trong quá khứ, từ đó các công cụ phân tích bổ trợ ra đời để đưa ra dự đoán, kịch bản cho giá cả trong tương lai. Trong đó, lý thuyết DOW đặt nền móng cho PTKT ngày nay.
Phân tích kỹ thuật - 1 trong 2 phương pháp giao dịch xây dựng chiến lược đầu tư chứng khoán
⇥ PTKT chỉ quan tâm đến biến động về giá, vì cơ sở của nó cho rằng giá phản ánh mọi thông tin, NĐT chỉ cần quan tâm đến hành động giá. Giá biến động liên tục, mỗi biến động dẫn đến một kịch bản khác nhau, vì vậy phương pháp này đòi hỏi NĐT dành nhiều thời gian theo dõi hơn, quan sát đánh giá biến động giá. Tính kĩ luật và tâm lý vững là điều đòi hỏi cực kì cao ở phương pháp này. Đổi lại, NĐT có thể tạo ra tính thanh khoản tốt hơn và nắm bắt điểm mua trong ngắn hạn một cách linh hoạt hơn.
Vậy, phương pháp nào hiệu quả cho nhà giao dịch? Đến bây giờ vẫn không có câu trả lời hoàn hảo cho câu hỏi này. Rất nhiều các phương pháp giao dịch khác nhau ra đời là sự kết hợp giữa PTCB và PTKT để tận dụng ưu điểm của hai trường phái phân tích này.
Xem thêm về TA - Phân tích kỹ thuật tại ĐÂY!
Bước 3. Chọn điểm mua bán phù hợp để xây dựng chiến lược đầu tư
Tôi tách riêng giữa phương pháp giao dịch và chiến lược mua bán để bạn dễ hình dung, tuy nhiên, bạn nhớ rằng, 2 điều này phải đi song song và phù hợp với nhau. Hai chiến lược mua bán phổ biến tôi muốn chia sẻ như sau:
Mua bán 1 lệnh dứt khoát. Cách này đòi hỏi NĐT có một tâm lí vững, không do dự, không tiếc nuối hay chần chừ. Điều này tránh chúng ta mất nhiều thời gian canh lệnh hay chờ đợi. Phù hợp hơn cho đầu tư dài hạn, việc phân bổ lệnh ra không chênh lệch quá nhiều nhưng tốn thời gian. Mua bán theo tỉ trọng. Đây là cách mà tôi khuyến nghị nhiều hơn đối với NĐT ngắn và trung hạn, điều này giúp NĐT phân bổ rủi ro, giúp giảm các tác động tâm lí như sợ hãi, tham lam hay tiếc nuối. Tuy nhiên, cũng không nên chia nhỏ quá nhiều. |
Chu kỳ kinh tế, lựa chọn điểm mua/bán hợp lý | Nguồn: Investopedia |
Phương pháp giao dịch sẽ cho những vùng mua bán, chốt lời và cắt lỗ khác nhau, việc cần làm là từ đó bạn đưa ra một chiến lược mua bán phù hợp. Vùng giá giao dịch sẽ được đánh giá rõ hơn trong phương pháp phân tích kĩ thuật.
Bước 4. Kiểm soát giao dịch
Khi đã xây dựng được phương pháp giao dịch và chiến lược đầu tư mua/bán phù hợp, điều cần làm là tuân thủ nguyên tắc. Trong một nhóm NĐT, cùng 1 phương pháp, cùng một mã cổ phiếu nhưng cho ra 100 kết quả khác nhau: có người lời, có người lại lỗ, dù tôi đã đưa đủ cả thời gian – kế hoạch giá như nhau cho tất cả mọi người. Điểm khác nhau giữa họ đó chính là Tâm lý giao dịch. Đây là điểm mấu chốt của cả chiến lược đầu tư, nó là yếu tốt quyết định thành công của nhà giao dịch.
Hai tình huống tôi hay gặp phải của NĐT thua lỗ:
- Từ dân trader thở thành holder, nghĩa là mục đích vào để lướt sóng ngắn hạn nhưng khi sai xu hướng không tuân thủ cắt lỗ ngắn hạn mà tự tìm lí do chuyển thành NĐT dài hạn “bất đắc dĩ”.
- Chọn cổ phiếu theo cơ bản, nhưng không chịu được biến động ngắn hạn, nghĩa là kì vọng một doanh nghiệp cơ bản tốt sẽ thúc đẩy giá cao nhưng lại chỉ mong muốn nắm giữ trong một vài ngày và không thể đợi chờ hơn.
Bước 5. Tổng kết, đánh giá chiến lược đầu tư
Cuối cùng, mỗi chiến lược giao dịch đều cần thời gian để đánh giá hiệu quả, tuy nhiên, hoàn hảo nhất là chiến lược ấy cần phải trải qua cả thời kì hưng thịnh và khủng hoảng để thấy được hiệu quả thật sự. Tránh mang tâm lý chủ quan khi mới chốt thành công vài giao dịch.
Ghi chép lại quá trình giao dịch, sau mỗi thất bại cần đánh giá nguyên nhân khách quan hay chủ quan, sai ở phương pháp hay sai ở tâm lý giao dịch của bản thân. Đừng cố gắng trở thành NĐT bất bại, chỉ cần bạn sống xót và có được lợi nhuận đạt kì vọng đó là thành công rồi. Đầu tư là một hành trình chứ không phải là một cuộc chơi ngắn hạn, xây dựng chiến lược đầu tư rõ ràng, cụ thể giúp bạn tiến gần hơn tới mục tiêu tài chính. Vì vậy, hãy nghiêm túc với số tiền mình bỏ ra, đừng vội vàng hấp tấp. |
FinSuccess chúc bạn đầu tư thành công.