“Giá là thứ bạn trả, giá trị là thứ bạn nhận”
--- Warrent Buffett
Khi đầu tư ở lĩnh vực bất kỳ như bất động sản, hàng hóa, chứng khoán,..thì kỹ năng định giá luôn đóng vai trò rất quan trọng vì đây chính là cơ sở để cá nhân hay tổ chức thực hiện các quyết định đầu tư, tuy nhiên định giá có rất nhiều phương pháp vô tình chung lại gây khó khăn trong việc tiếp cận đâu là phương pháp phù hợp. Finsuccess xin đề xuất 3 phương pháp định giá được sử dụng phổ biến trong việc định giá cổ phiếu.
A. Phương pháp chiết khấu dòng tiền
Định nghĩa: Là phương pháp giúp xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp thông qua việc dự báo dòng tiền mà trong tương lại doanh nghiệp có thể tạo ra. Phương pháp này dựa trên giả định rằng giá trị của một doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng tạo ra lợi nhuận và dòng tiền trong tương lai. Phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) gồm 3 thành phần chính.
-
-
Tỷ lệ chiết khấu (Discount rate)
-
Tỷ lệ chiết khấu được xác định bằng chi phí sử dụng vốn bình quân (Weighted Average Cost Capital hay còn gọi là WACC) của doanh nghiệp hoặc có thể gọi là tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng mà khi nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu. Trong ví dụ thì chi phí sử dụng vốn bình quân của doanh nghiệp A chi trả hằng năm là 12%.
-
-
Dòng tiền (Cash Flow)
-
Dòng tiền trong phương pháp DCF được xem như dòng tiền tự do mà khoảng đầu tư, dự án hoặc doanh nghiệp kỳ vọng có thể mang lại. Ví dụ đối với khoản đầu tư trái phiếu thì dòng tiền tự do là khoản lãi trả định kỳ, đối với doanh nghiệp là dòng tiền sau khi chi trả các khoản chi phí hoạt động, chi phí vốn,… thì phần còn lại chính là phần tiền thuộc về trái chủ và cổ đông.
-
-
Số kỳ (n)
-
Số kỳ là khoảng thời gian gắn liền với sự xuất hiện dòng tiền thường nằm ở dưới dạng năm, quý, tháng,…
Ở ví dụ trên cho thấy đây là một thương vụ đầu tư thất bại khi giá trị DCF thấp hơn giá trị tài sản ban đầu doanh nghiệp phải bỏ ra (757,7 < 800).
Ưu điểm của phương pháp DCF là khả năng xác định được giá trị hợp lý của doanh nghiệp cho phép nhà đầu tư đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp trong dài hạn và những rủi ro tiềm tàng.
Tuy nhiên phương pháp này cũng nhiều hạn chế do sự phức tạp trong khâu thu nhập, xử lý các thông số đầu vào. Bên cạnh phương pháp không tính đến những biến cố ngẫu nhiên xuất hiện (Covide – 19) từ đó khiến định giá bị sai, cuối cùng là phương pháp chỉ phù hợp với một số doanh nghiệp có tình hình kinh doanh với dòng tiền ổn định như doanh nghiệp sản xuất.
B. Phương pháp so sánh
Phương pháp so sánh là phương pháp định giá sử dụng các tỷ số tài chính giữa các doanh nghiệp có đặc điểm tương đồng để ước tính giá trị tương đối doanh nghiệp, khác với phương pháp DCF là đi tìm giá trị nội tại của doanh nghiệp. Có rất nhiều tỷ số được dùng để so sánh các doanh nghiệp tuy nhiên Finsuccess sẽ liệt kê 3 chỉ số được sử dụng thông dụng nhất trong việc định giá.
1. Phương pháp P/E
P/E là viết tắt của Price-to-Earnings, tức tỷ số giá cổ phiếu trên mỗi đơn vị lợi nhuận. Phương pháp này tính toán giá trị của doanh nghiệp bằng cách chia giá cổ phiếu hiện tại cho lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của công ty (EPS). Phương pháp này cho nhà đầu tư biết được bạn phải bỏ ra bao nhiêu đồng để đổi lấy một đồng lợi nhuận của doanh nghiệp mang lại, nếu P/E doanh nghiệp cao hơn so với trung bình ngành thì có thể suy ra rằng nhà đầu tư đang “kỳ vọng” doanh nghiệp mang lợi nhuận cao hơn so doanh nghiệp khác hoặc đang được định giá cao hơn.
Ưu điểm của phương pháp P/E là nó dễ dàng sử dụng thông qua giá cổ phiếu của doanh nghiệp so với lợi nhuận. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là chưa xét đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, chỉ số thường xuyên biến động theo tình hình thị trường. Bên cạnh đó việc sử dụng chỉ số cũng hạn chế đối với một số doanh nghiệp có lợi nhuận thất thường hoặc cổ phiếu mang tính chất chu kỳ sẽ làm cho P/E không đáng tin cậy mà phải dùng sang chỉ số khác.
Cách sử dụng
Nhà đầu tư có thể tự tính P/E bằng cách lấy các thông số đầu vào các trang uy tín như Vietstock, Cafef,.. hoặc có thể sử dụng dữ liệu có sẵn từ các nguồn có phí như Fiintrade, Wichart. Tuy nhiên cũng cố một số nguồn miễn phí mà nhà đầu tư có tham khảo qua link dưới đây:
Finsucess sẽ dùng nền tảng này để hướng sử dụng chỉ số P/E và cũng như các chỉ số được đề cập trong bài.
Bước 1: Đăng nhập vào link trên, chọn tab “Công cụ phân tích”, “Doanh Nghiệp”, “Phân tích tài chính”, “Phân tích tài chính” và nhập mã chứng khoán cần tìm
Bước 2: Chọn “Ratio” sau đó click vào chỉ số
Bước 3: Điều chỉnh khung thời gian mà bạn muốn dùng hoặc có thể thêm các doanh nghiệp cùng ngành
Ví dụ: Bạn muốn so sánh cổ phiếu HPG trong quá khứ và so với các cổ phiếu khác trong ngành thép, dựa vào số liệu ở hình dưới đây có thể rút ra một số kết luận như sau:
- Nhìn vào biến động chỉ số P/E trong HPG có thể dễ dàng thấy được biến động lên xuống theo tình hình lợi nhuận của chu kỳ của ngành thép. Kết thúc năm 2022, P/E đạt 13.71 và cao nhất trong 10 năm gần đây, sự tăng cao nay chủ yếu đến từ sự sụt giảm lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (phần mẫu số “E”) từ 7.700 đồng năm 2021 còn 1.459 đồng (-81%) trong khi đó giá cổ phiếu (phần tử số “P”) cũng ghi nhận mức giảm mạnh (-61%) nhưng vẫn thấp hơn so với 81% nên điều này giải thích cho việc P/E 2022 vẫn tăng. Điều này phản ánh kỳ vọng nhà đầu tư rằng lợi nhuận của HPG trong thời gian sắp tới sẽ cải thiện và sau giá cổ phiếu chiết khấu đủ sâu thì thị trường sẵn sàng bỏ ra 13.71 đồng để mua lấy một đồng lợi nhuận của HPG trong thời gian tới.
- So với trung bình ngành thì P/E hầu hết các doanh nghiệp thép trong năm 2022 có lợi nhuận âm khiến P/E âm ở NKG và HSG nên về mặt số liệu HPG đang có định giá cao hơn. Tuy nhiên nhìn vào các năm còn lại thì thông thường NKG sẽ có P/E cao nhất ngành do luôn được nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận cao, HPG sẽ là cổ phiếu an toàn hơn để đầu tư đối với những thời điểm chu kỳ ngành thép không rõ ràng như bây giờ.
2. Phương pháp P/B
P/B là viết tắt của Price-to-Book, phương pháp này giúp xác định giá trị của doanh nghiệp bằng cách chia giá cổ phiếu hiện tại cho giá trị sổ sách của công ty (Book Value). Nếu như P/E chỉ tập trung vào lợi nhuận của doanh nghiệp thì P/B tập trung vào giá trị tài sản ròng của công ty nên có thể nói chỉ số P/B phản ánh một cách toàn diện hơn về tình hình của doanh nghiệp.
Ưu điểm của phương pháp P/B là nó cung cấp thông tin một cách đầy đủ hơn về giá trị của doanh nghiệp từ đó nhận biết được doanh nghiệp nào đang giao dịch dưới mức tài sản ròng của công ty hoặc so sánh với các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp chưa tính đến các tài sản khác không nằm trên bảng cân đối như giá trị thương hiệu nên sẽ không phù hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như công nghệ thông tin, du lịch,…
Cách sử dụng
Đối với các nhóm cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán, ngân hàng thì chỉ số P/B được nhà đầu tư ưa dùng vì tính chất tài sản của các công ty có tính thanh khoản cao do đó giá trị sổ sách trên bảng cân đối sẽ xấp xỉ với giá trị thị trường khi chưa tính đến các khoản mục ngoại bảng khác (thương hiệu,..). Dưa vào số liệu P/B của HCM giai đoạn 2013-2022 ta rút ra được nhận xét:
- Hiên tại P/B của HCM cuối năm 2022 giao dịch ở mức 1.39, có nghĩa giá trị thị trường của của HCM đang lớn hơn giá trị sổ sách của doanh nghiệp, tuy nhiên nhìn lại lịch sử các năm vừa qua thì mức giao dịch hiện tại đang định giá thấp hơn so với mức trung bình 10 năm (P/B trung bình 10 năm của HCM đạt 1.8)
- So sánh với các doanh nghiệp đầu ngành và cả ngành chứng khoán thì HCM đang được định giá cao hơn trung bình ngành, chỉ đứng sau VCI. Trung bình cổ phiếu HCM trong 10 năm qua đều được định giá cao hơn ngành khoản 28%.
3. Phương pháp EV/EBITDA
EV/EBITDA là viết tắt của Enterprise Value-to-Earnings Before Interest, Taxes, Depreciation, and Amortization. Phương pháp này xác định giá trị của doanh nghiệp bằng cách chia giá trị doanh nghiệp (Enterprise Value) cho lợi nhuận trước lãi, thuế, khấu hao (EBITDA). Tuy không phổ biến bằng 2 phương pháp trên nhưng lại là tỷ số được chuyên gia ưa chuộng vì ý nghĩa mang lại. Khác với P/B chỉ quan tâm đến giá trị sổ sách của doanh nghiệp mà phương pháp EV/EBITDA quan tâm đến toàn bộ giá trị doanh nghiệp bao gồm các khoản nợ đã được đánh giá theo giá trị thị trường và vốn chủ sở hữu.
Ưu điểm của phương pháp:
- Các chỉ số thông thường như P/E dễ bị ảnh hưởng bởi các phương pháp kế toán khiến lợi nhuận biến động, nhưng để làm điều đó với EV/EBITDA sẽ khó hơn do đã loại bỏ tác động của chi phí lãi vay và khấu hoa vốn là các khoản mục dễ làm biến động lợi nhuận
- EV/EBITDA ít bị biến động theo thị trường hơn các chỉ số P/E và P/B do đó phản ánh toàn diện hơn.
- EV/EBITDA được ưu dùng trong các hoạt động M&A vì đã tính đến giá trị Nợ và VCSH và chỉ số này phán ánh chính xác hơn so với giá trị thị trường cho nên các thương vụ có chỉ số thấp sẽ là cơ hội hấp dẫn.
Tuy nhiên phương pháp này cũng tồn tại một số nhược điểm:
- Phương pháp khó tính toán nên không dễ tiếp cận đối với tất cả nhà đầu tư
- Chỉ số không phản ánh dòng tiền của doanh nghiệp và không đánh giá được tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp
- Không phù hợp với tất cả các loại hình doanh nghiệp, nên sử dụng đối với doanh nghiệp có tỷ trọng tài sản cao như các doanh nghiệp sản xuất.
Cách sử dụng
Trong hình dưới đây là EV/EBITDA của các doanh nghiệp sản xuất điện với đặc thù tài sản cố định lớn dễ bị phương pháp kế toán tác động các khoản khấu hao thường niên, chi phí vay nợ cao để phục vụ cho các dự án mở rộng nếu có. Đối với mã cổ phiếu nhiệt điện Quảng Ninh (QTP):
- Tình hình EV/EBITDA năm 2022 của QTP giao dịch ở mức 3.97 giảm so với năm 2021 nhờ lợi nhuận tăng trưởng 21% so với 2021. Hiện tại về mặt định giá thì QTP đang có mức định giá thấp hơn trung bình 10 năm (EV/EBITDA trung bình 10 năm đạt 4.6)
- So với các doanh nghiệp cùng ngành điện thì QTP cũng đang được định giá thấp hơn, nhìn chung thì về mặt định giá lịch sử và so với các doanh nghiệp cùng nghiệp thì QTP được xem là hấp dẫn và an toàn
C. Phương pháp tài sản
Đây là phương pháp ước tính giá trị của doanh nghiệp thông xác định toàn bộ giá trị thị trường của toàn bộ tài sản doanh nghiệp bao gồm nợ, VCSH và các các tài sản vô hình mà doanh nghiệp sở hữu. Đây là phương pháp được sử dụng tương đối rộng rãi trong lĩnh vực bất động sản. Ưu điểm của phương pháp này giúp xác định được toàn bộ giá trị thị trường của doanh nghiệp tuy nhiên nhược điểm là phương pháp này tương đối phức tạp.
TÓM LẠI
Các phương pháp định giá đều tồn tại ưu và nhược điểm khác nhau, nhà đầu tư cần phải biết cách chọn lọc và kết hợp các phương pháp để đưa ra quyết định chính xác nhất.