Cha đẻ của lý thuyết Dow là Charles Dow, đáng tiếc cho đến lúc qua đời Dow chưa từng viết một cuốn sách nào về lý thuyết của mình. Thay vào đó ông đã có một loạt các bài viết về hành vi thị trường chứng khoán được đăng trên tờ The Wall street Journal trong giai đoạn những năm chuyển giao thế kỉ 19 - 20. Thuật ngữ “Lý thuyết Dow” chỉ ra đời sau khi ông mất, các học giả theo sau đã sử dụng những bài viết của ông để thống kê và đúc kết lại.
Dow đã ứng dụng lý thuyết của mình vào các chỉ số trung bình của thị trường chứng khoán mà ông tạo ra với tên gọi chỉ số Công nghiệp và chỉ số Đường sắt. Tuy nhiên, hầu hết các lý thuyết phân tích của ông đều có thể áp dụng cho các loại chỉ số trung bình của tất cả thị trường. Ngay bây giờ chúng ta sẽ đi vào 6 nguyên tắc cơ bản của lý thuyết Dow, tôi xin phép dùng cách diễn giải cá nhân hy vọng sẽ giúp mọi người dễ hình dung hơn.
Lý Thuyết Dow - Nền tảng của phân tích kỹ thuật
1. Chỉ số bình quân phản ánh mọi thứ
Nguyên tắc này thể hiện quan điểm rằng thị trường phản ánh tất cả những yếu tố có ảnh hưởng chung đến cung cầu, nói ngắn gọn “Giá phản ánh tất cả mọi thứ”. Mặc dù không thể dự đoán được những sự kiện tương lai như động đất, thiên tai,… nhưng nó lại có thể phản ánh các tác động một cách gần như ngay lập tức vào giá cả. Nguyên tắc này hiệu quả đối với các chỉ số trung bình của thị trường và của các sản phẩm riêng lẻ.
Nguyên tắc này thể hiện sự khác biệt rõ ràng giữa PTKT và PTCB. Ở đây, việc NĐT cần làm là quan tâm sự biến động của giá và các kịch bản giá tiếp theo dựa vào PTKT, không cần cố gắng lý giải nguyên nhân của các biến động. Nhớ kỹ điều này!
2. Thị trường có 3 xu hướng chính
Định nghĩa hay cách nhận biết xu hướng NĐT có thể tham khảo thêm tại các bài viết khác. Ở đây, tôi sẽ đi thẳng vào mấu chốt của nguyên tắc thứ 2 này. Cực kì quan trọng mà nhiều nhà phân tích đã bỏ qua. Dow cho rằng một xu hướng phải có 3 cấp:
- Xu hướng cấp 1: xu hướng chính hay xu hướng cơ bản, nếu mỗi đợt sóng tiếp theo cao hơn đợt sóng trước đó, tức đó là xu thế cấp 1 hay gọi là đại thuỷ triều.
- Xu hướng cấp 2: xu hướng trung gian hay xu hướng hiệu chỉnh, đây là giai đoạn giá điều chỉnh thoái lui một khoản thông thường là 50% (có thể là 1/3 hay 2/3) so với xu hướng cấp 1 trước đó.
- Xu hướng cấp 3: xu hướng thứ yếu, đây là sự dao động nhỏ hơn bên trong xu hướng trung gian.
Điểm nhấn ở nguyên tắc này muốn nhấn mạnh rằng: sau xu hướng cấp 1 sẽ gặp sự kháng cự hiệu chỉnh ngược lại của xu hướng cấp 2, các mức điều chỉnh thông thường là 50% (có thể 1/3 hay 2/3) so với xu hướng chính vừa xảy ra. Dựa vào nguyên tắc này, NĐT hãy xác định xem thị trường đang ở xu hướng nào? Xu hướng cấp 1 là tăng hay giảm, mức điều chỉnh hợp lí cho xu hướng cấp 2? Thử ứng dụng thực tế nào!
3. Lý thuyết Dow cho rằng xu hướng chính gồm 3 giai đoạn
Dow tập trung phân tích xu hướng chính (xu hướng cấp 1), điều này hoàn toàn hợp lí khi xu hướng chính là xu hướng mạnh áp đảo, vì vậy lời khuyên của tôi là bạn đừng cố kiếm lợi nhuận trong xu hướng điều chỉnh. Xu hướng chính diễn ra theo 3 kỳ:
- Kỳ tích lũy (accumulation phase): đây là giai đoạn chỉ 1 số ít NĐT có hiểu biết bắt đầu mua vào cổ phiếu để tích luỹ, trái ngược lại với tâm lý sợ hãi hay thờ ơ chung trên thị trường. Đặc điểm của giai đoạn này là giá cổ phiếu không tăng nhiều, thanh khoản cũng đã giảm đáng kể.
- Kỳ thâm nhập vào công chúng (public participation): giai đoạn này các nhà đầu cơ bắt đầu nhận ra tiềm năng của cổ phiếu và đổ xô vào mua đẩy giá cổ phiếu tăng đột biến đến mức cực đại.
- Kỳ phân phối (distribution): khi mức độ đầu cơ đã đạt cực đại, gần như cả thị trường đều nhắc đến nó, đây là giai đoạn các NĐT khôn ngoan bắt đầu bán cổ phiếu của họ ra để chốt lời, cổ phiếu bước vào kì phân phối, giá cổ phiếu bắt đầu giảm đà tăng và lực cung ra thị trường xuất hiện nhiều hơn.
Ảnh minh họa lý thuyết Dow. Nguồn: FinSuccess
Lý thuyết sóng Elliot sẽ có những bổ sung tỉ mỉ hơn về nhìn nhận rằng thị trường giá lên bao gồm 3 giai đoạn như trên. Nhưng tóm lại, hãy nhìn nhận và khôn ngoan để xác định thị trường đang ở giai đoạn nào để đưa ra quyết định đầu tư hợp lí. Nhớ rằng, bạn biết thì cá mập cũng biết, đừng để tin tức dẫn dắt suy nghĩ bạn!
4. Các chỉ số trung bình phải củng cố lẫn nhau
Ở nguyên tắc này, Dow sử dụng hai chỉ số trung bình có sự liên quan với nhau, chỉ số bình quân Công nghiệp và Đường sắt, cụ thể: tín hiệu tăng hay giảm giá được xác nhận xảy ra chỉ khi cả hai chỉ số đưa ra tín hiệu tương đồng củng cố lẫn nhau. Tức là cả hai chỉ số phải cùng vượt qua đỉnh cao của xu hướng trước đó, Dow không buộc tín hiệu phải xuất hiện đồng thời nhưng ông công nhận khoảng thời gian giữa hai tín hiệu càng ngắn thì càng chắc chắn. Phần này bạn có thể tham khảo thêm về các khái niệm cơ bản của việc củng cố và phân kỳ.
Vì vậy, hãy sử dụng những chỉ số có liên quan để hỗ trợ tăng độ tin cậy cho việc dự báo giá, một tín hiệu củng cố sẽ giúp quyết định đầu tư thành công hơn. Nhưng nhớ rằng, các chỉ số có độ lệch khác nhau, vì vậy hãy sử dụng kết hợp một cách khôn ngoan.
5. Khối lượng giao dịch phải xác nhận xu hướng
Khối lượng giao dịch là yếu tố đứng thứ 2 nhưng không kém phần quan trọng trong việc xác nhận những tín hiệu giá. Có thể nói đơn giản rằng, khối lượng giao dịch gia tăng theo hướng phát triển của xu hướng chính. Cụ thể:
- Trong xu hướng tăng, khối lượng giao dịch tăng khi giá tăng lên, và giảm khi giá giảm.
- Trong xu hướng giảm, khối lượng giao dịch tăng khi giá giảm xuống và giảm khi giá hồi phục.
Đặc biệt, Dow quan sát tín hiệu điểm mua bán hoàn toàn dựa trên giá đóng cửa. Tức ông ấy tạm phớt lờ những biến động thái quá trong phiên giao dịch.
Khối lượng giao dịch là một thông số cực kì quan trọng mà nhiều trader bỏ qua nó, đặc biệt hãy chú ý sự thay đổi khối lượng trong những giai đoạn tích luỹ và giai đoạn khi cổ phiếu có sự đột phá về giá.
6. Một xu hướng được cho là sẽ tiếp diễn cho đến khi có tín hiệu đảo chiều
Nguyên tắc này là tiền đề hình thành nên phần lớn nền tảng của cách tiếp cận hiện đại tuân theo xu hướng. Nó liên quan đến một quy tắc vật lý về chuyển động, trong đó một vật thể đang chuyển động (trong trường hợp này là giá đang chuyển động) có khuynh hướng tiếp tục chuyển động theo xu hướng cho đến khi những tác động ngoại vi đủ mạnh khiến nó chuyển hướng. Nói dễ hiểu là “giá sẽ thiên về tiếp tục xu hướng cũ hơn là đảo chiều, trừ khi có những lực đủ mạnh rõ ràng tác động”.
Có rất nhiều công cụ hỗ trợ nhà giao dịch đó xác định các vật cản trên đường đi của giá, bảo gồm ngưỡng hỗ trợ, kháng cự, mô hình giá, đường xu hướng, đường trung bình động hya một số chỉ báo sớm về động lượng.
Ảnh minh họa: Một xu hướng được cho là sẽ tiếp diễn cho đến khi có tín hiệu đảo chiều
Công việc khó khăn nhất đối với một nhà giao dịch theo lý thuyết Dow là phân biệt sự hiệu chỉnh xuất hiện là sự điều chỉnh thứ yếu hay là sự điều chỉnh đảo nghịch xu hướng chính. Có hai quan điểm bất đồng giữa những người theo lý thuyết Dow về điểm đảo chiều xu hướng chính cho đến ngày nay như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Sự phục hồi của điểm C thấp hơn đỉnh A trước đó, sau đó lại rớt xuống dưới điểm B. Điểm phá vỡ tại S tạo nên một tín hiệu bán theo lý thuyết Dow. Mô hình đảo chiều này có tên gọi là phân kỳ âm.
- Quan điểm thứ hai: Đỉnh C cao hơn đỉnh A. Giá sau đó giảm xuống dưới B. Một số người cho rằng đó là một tín hiệu bán ngay tại S1, trong khi những quan điểm khác lại cần một đỉnh thấp hơn tại E trước khi quay đầu rơi xuống điểm bán S2 – với họ đây mới là điểm bán thật sự. Mô hình đảo chiều này được gọi là Phân kỳ dương.
Vậy tóm lại nguyên tắc này nói gì? Xu hướng sẽ tiếp tục tiếp diễn nếu không có điểm đảo chiều, như vậy dựa vào nguyên tắc thứ 6 đã cho chúng ta điểm mua khi đảo chiều từ giảm thành tăng và điểm bán khi đảo chiều từ tăng thành giảm. Việc các bạn cần làm là kiểm chứng nó một cách đúng đắn.
Không phải không có lý do mà lý thuyết Dow trở thành nền tảng của mọi PTKT sau này, thế nhưng hầu như các NĐT mới bước chân vào thị trường lao vào ngay các công cụ khác vô tình qua bỏ cái nền tảng quan trọng nhất. Hãy vừa đọc lại và vừa kiểm nghiệm thực tế trên đồ thị, nó không phải là lý thuyết suông, nếu bạn vẫn chưa thể vận dụng được thì tiếp tục nghiền ngẫm nó hoặc đừng ngừng ngại để lại comment dưới đây để tôi có thể hỗ trợ bạn tốt hơn.
Hi vọng những kiến thức hôm nay sẽ là nền tảng giúp bạn trở thành một trader thành công.