Trong lĩnh vực đầu tư, mọi thứ bắt đầu từ “Hào Kinh Tế” - lợi thế cạnh tranh của một công ty. Một nhà đầu tư xuất sắc là người xác định sự tồn tại và sự bền vững của lợi thế cạnh tranh. Trong bài viết này, FinSuccess sẽ giúp bạn tìm hiểu mọi thứ bạn cần biết về “Hào Kinh Tế” hay còn gọi là “Economic Moat”
Vậy “Hào Kinh Tế” là gì?
Hào kinh tế là điều kiện giúp một công ty có được lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường. Điều này giúp cho công ty duy trì và tăng lợi nhuận cũng như thị phần của mình.
"Rất kiêu căng khi một công ty tin rằng nó có thể cung cấp sản phẩm tương tự như đối thủ và làm được tốt hơn trong một thời gian dài." - Warren Buffett
Warren Buffett từng nói rằng công ty có thể được coi như một lâu đài và giá trị của lâu đài sẽ được xác định bởi sức mạnh của hào kinh tế. Nói cách khác, hào kinh tế là thứ sẽ bảo vệ những người ở bên trong lâu đài và ngăn chặn những người từ bên ngoài xâm nhập vào pháo đài.
"Chìa khóa của việc đầu tư không phải là đánh giá mức độ mà một ngành công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến xã hội, hay mức độ tăng trưởng của nó, mà là xác định lợi thế cạnh tranh của một công ty cụ thể và, hơn hết, tính bền vững của lợi thế đó. Các sản phẩm hoặc dịch vụ có những hào kinh tế rộng, bền vững, chính là những sản phẩm mang lại lợi ích cho nhà đầu tư." - Warren Buffett
Làm sao để xác định một doanh nghiệp có “Hào Kinh Tế” hay không?
Có hai yếu tố quan trọng để xác định liệu một công ty có hào kinh tế hay không:
- Công ty có Lợi nhuận Trên Vốn Đầu Tư (ROIC) lớn hơn Chi phí vốn trung bình có trọng số (WACC).
- ROIC đã duy trì ở mức cao và ổn định trong một khoảng thời gian hợp lý trong quá khứ. Nhìn vào sự phát triển của biên lợi nhuận gộp và ROIC trong thập kỷ qua đã có thể cho bạn một dấu hiệu tốt. Khi cả hai chỉ số này đều mạnh mẽ và (rất) cao, đây là một dấu hiệu tuyệt vời cho thấy công ty có hào kinh tế.
Các công ty có hào kinh tế thường có sức mạnh định giá cao. Munger đã từng nói rằng vài lần trong cuộc đời của bạn, bạn sẽ tìm thấy một công ty có thể tăng lợi nhuận một cách đáng kể chỉ bằng cách tăng giá của họ, nhưng họ chưa làm điều đó. Điều này mang lại cho họ sức mạnh định giá chưa khai thác. Những công ty này là lựa chọn đầu tư tốt mà bạn không cần phải đắn đo.
"Quyết định quan trọng nhất trong việc đánh giá một doanh nghiệp là sức mạnh định giá. Nếu bạn có khả năng tăng giá mà không mất khách hàng cho đối thủ cạnh tranh, thì bạn đang có một doanh nghiệp rất tốt." - Warren Buffett
Các loại hào kinh tế khác nhau
Nhìn chung, có 5 loại hào kinh tế khác nhau:
• Chi phí chuyển đổi
• Tài sản vô hình
• Hiệu ứng mạng lưới
• Lợi thế về chi phí
• Hiệu quả về quy mô
Đầu tiên, chi phí chuyển đổi là những chi phí mà người tiêu dùng phải trả khi chuyển đổi thương hiệu hoặc sản phẩm. Những chi phí này có thể là tiền bạc, nhưng cũng có thể là về mặt tâm lý, công sức và thời gian.
Một ví dụ điển hình về chi phí chuyển đổi là việc chuyển từ Windows sang Apple và ngược lại cũng có thể được xem là chi phí chuyển đổi vì cần thời gian để làm quen với phần mềm.
Tài sản vô hình
Một hào kinh tế dựa trên tài sản vô hình bao gồm lợi thế cạnh tranh nhờ thương hiệu mạnh, bằng sáng chế hoặc giấy phép quy định. Điều này có thể ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sao chép sản phẩm hoặc cho phép một công ty thu phí cao hơn.
Munger và Buffett cố gắng xác định sức mạnh của hào kinh tế dựa trên thương hiệu bằng cách đo lường xem liệu một đối thủ có thể sao chép hoặc làm suy yếu hào kinh tế với những khoản đầu tư khổng lồ hay không. Bài kiểm tra của họ về Coca-Cola là một ví dụ điển hình:
"Nếu bạn cho tôi 100 tỷ đô la và nói lấy đi vị trí dẫn đầu về nước ngọt của Coca-Cola trên thế giới, tôi sẽ trả lại bạn và nói rằng điều đó không thể thực hiện được." - Warren Buffett
Hiệu ứng mạng lưới
Một hào kinh tế dựa trên hiệu ứng mạng lưới là một trong những hào kinh tế mạnh nhất mà các công ty có thể tạo ra vì hào kinh tế này rất có khả năng mở rộng hơn nữa. Hiệu ứng mạng lưới xuất hiện khi giá trị của một sản phẩm hoặc dịch vụ tăng lên cùng với sự mở rộng của cơ sở người dùng. Mỗi khách hàng bổ sung sẽ tăng giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ theo cấp số nhân.
Hãy nghĩ về các công ty như American Express, Amazon, Mastercard, Visa và Alphabet.
"Google có một hào kinh tế khổng lồ. Thực tế, tôi có lẽ chưa từng thấy một hào kinh tế nào rộng như vậy." - Charlie Munger
Lợi thế chi phí
Những công ty có khả năng sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ với chi phí thấp hơn so với đối thủ sẽ có lợi thế chi phí. Các doanh nghiệp có lợi thế chi phí, có thể hạ giá so với đối thủ mà vẫn duy trì biên lợi nhuận tương tự, hoặc có thể giữ mức giá thị trường trong khi thu về biên lợi nhuận cao hơn.
Ikea và Walmart là hai công ty điển hình với lợi thế chi phí mạnh mẽ. Tuy nhiên đối với một số nhà đầu tư, lợi thế chi phí có thể được xem là nguồn lợi thế ít được ưa chuộng nhất. Lý do là những công ty này thường không có quyền lực định giá. Khả năng định giá là một đặc điểm rất quan trọng của các công ty chất lượng.
Quy mô hiệu quả
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, quy mô hiệu quả là nguồn lợi thế cạnh tranh thứ năm.
Trong một số thị trường, chỉ có chỗ cho vài công ty. Các loại thị trường này được gọi là thị trường độc quyền (chỉ có 1 công ty) hoặc thị trường độc quyền nhóm (chỉ có vài công ty).
Quy mô kinh tế rất quan trọng trong kinh doanh. Đây là động lực mà trong đó một thị trường có quy mô hạn chế được vận hành hiệu quả bởi rất ít công ty. Các công ty hiện tại tạo ra lợi nhuận kinh tế, nhưng nếu có thêm người mới tham gia, lợi nhuận của tất cả các công ty sẽ giảm xuống mức bằng hoặc thấp hơn chi phí vốn. Vì lý do đó, thị trường này trở nên không hấp dẫn đối với các công ty mới muốn tham gia thị trường.
Những ví dụ tiêu biểu là S&P Global và Moody’s, cùng với các cổ phiếu đường sắt Mỹ như Union Pacific.
Tính bền vững của hào kinh tế
Đối với các nhà đầu tư giỏi, sự an toàn không nằm ở định giá rẻ mà nằm ở sức mạnh của lợi thế cạnh tranh. Đó là lý do tại sao tính bền vững của hào kinh tế rất quan trọng.
“Thà mua một công ty tuyệt vời với giá hợp lý còn hơn mua một công ty tầm thường với giá tuyệt vời.” - Warren Buffett
Bạn nên đầu tư vào những công ty mà vẫn sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn trong 5, 10, và 20 năm tới.
Không có hiện tượng trở về trung bình (Mean reversion)
Lý thuyết “Trở về trung bình” là một lý thuyết được sử dụng trong tài chính, cho rằng các lợi tức lịch sử sẽ quay về mức trung bình dài hạn.
Đối với cổ phiếu, điều này có nghĩa là khi một ngành trở nên rất hấp dẫn, các đối thủ mới sẽ bắt đầu quan tâm và gia nhập thị trường, dẫn đến lợi nhuận thấp hơn đối với tất cả các công ty đang hoạt động trong ngành đó.
Nói chung, sự quay trở lại về trung bình thường xảy ra trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nó không xảy ra đối với các công ty có hào kinh tế rộng và bền vững. Bởi vì cho dù có bao nhiêu doanh nghiệp muốn gia nhập một thị trường rất hấp dẫn, khi các công ty đã hoạt động trong thị trường đó có một hào kinh tế rất lớn, các đối thủ mới sẽ không thể chiếm được thị phần từ những công ty hiện tại này.
Kết luận
- Đối với các nhà đầu tư, mọi thứ bắt đầu từ hào kinh tế của một công ty.
- Một công ty có hào kinh tế khi ROIC của nó lớn hơn WACC trong một thời gian rất dài.
- Có 5 loại hào kinh tế khác nhau: chi phí chuyển đổi, tài sản vô hình, hiệu ứng mạng, lợi thế chi phí và quy mô hiệu quả.
- Bạn nên đầu tư vào các công ty vẫn giữ được hào kinh tế sau 10 và 20 năm kể từ bây giờ.
- Hiện tượng trở về trung bình không xảy ra đối với các công ty có hào kinh tế rộng.
- Các cổ phiếu có lợi thế cạnh tranh bền vững sẽ vượt trội hơn so với thị trường.
"Nếu bạn có thể mua được những công ty tốt nhất, thời gian sẽ tự giải quyết vấn đề giá cả." - Warren Buffett