Bài viết này sẽ so sánh các quy định mới của hệ thống KRX so với hệ thống giao dịch chứng khoán cơ sở và phái sinh hiện tại. 2 nội dung chính sẽ là: Các quy định mới trong hệ thống giao dịch KRX và Q&A tất tần tật các câu hỏi mà NĐT thắc mắc trong tiếp nhận.
Ngày 24/04, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo chính thức đưa vào vận hành Hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) kể từ ngày 05/05/2025.
Phần 1. Các quy định mới trong hệ thống giao dịch KRX
1. Ưu tiên khớp lệnh ATO/ATC và cách hiển thị:
Hiện tại, lệnh ATO/ATC luôn được ưu tiên khớp trước, kể cả so với lệnh mua giá trần/bán giá sàn. Nhưng với KRX, nếu lệnh ATO/ATC nhập sau lệnh giá trần/sàn, sẽ không còn được ưu tiên nữa. ATO/ATC vẫn ưu tiên trước các lệnh LO thông thường. Thứ tự ưu tiên sẽ tính theo thời gian nhập lệnh.
Cách hiển thị ATO/ATC trên bảng giá: Thay vì ghi "ATO" hay "ATC", giá ATO/ATC sẽ hiển thị như một lệnh giới hạn. Khối lượng dư mua/bán chỉ hiển thị phần chưa khớp. Phần đã dự kiến khớp sẽ hiển thị cùng với giá dự khớp.
2. Quy tắc sửa/hủy lệnh:
KRX không cho phép sửa cùng lúc cả giá và khối lượng. Bạn chỉ được sửa một trong hai. Sửa giá hoặc tăng khối lượng sẽ làm mất thứ tự ưu tiên; giảm khối lượng thì vẫn giữ nguyên.
Lưu ý: trong phiên ATO/ATC vẫn không được hủy/sửa lệnh.
3. Về lệnh thị trường:
Lệnh MP đổi tên thành lệnh MTL (Market to Limit). Nếu khớp chưa hết, phần còn lại sẽ chuyển thành lệnh LO với giá chênh lệch 1 bước giá so với giá khớp gần nhất.
4. Giao dịch thỏa thuận và lô lẻ:
Thỏa thuận: Cả bên mua và bán đều có thể chủ động nhập lệnh, bên còn lại xác nhận. Sau khi khớp, không được hủy/sửa.
Lô lẻ: Trước đây chỉ đặt được trong khớp lệnh liên tục, giờ có thể đặt xuyên suốt từ 9h đến 14h45. Chỉ áp dụng cho lệnh LO.
5. Giao dịch cổ phiếu bị hạn chế:
Hiện tại chỉ giao dịch buổi chiều, nhưng với KRX sẽ được giao dịch cả ngày. Hình thức là khớp lệnh định kỳ: phiên ATO mở đầu, sau đó 15 phiên PCA (mỗi phiên 15 phút), cuối cùng là ATC. Trong 5 phút cuối mỗi phiên PCA, không được hủy/sửa lệnh. Chỉ được đặt lệnh LO.
6. Thay đổi cách tính room nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại)
Hiện tại, room ngoại chỉ giảm khi lệnh của nhà đầu tư nước ngoài được khớp. Với KRX, room ngoại sẽ được giảm trừ ngay khi lệnh của nhà đầu tư nước ngoài được đẩy vào sàn giao dịch. Điều này giúp cập nhật room ngoại theo thời gian thực và nhanh hơn. Nếu lệnh mua bị hủy, room sẽ tăng trở lại.
7. Thay đổi về quy ước tên mã hợp đồng phái sinh mới
Với các mã hợp đồng phái sinh mới được sinh ra sau ngày Go-live KRX, quy ước đặt tên sẽ thay đổi hoàn toàn theo chuẩn quốc tế. Quy ước mới phức tạp hơn với các cấu phần thể hiện loại sản phẩm phái sinh, loại hợp đồng, chỉ số tham chiếu, năm đáo hạn, tháng đáo hạn.... Các mã hợp đồng phái sinh đang giao dịch hiện tại sẽ giữ nguyên tên gọi sau khi KRX vận hành.
8. Thay đổi về nộp và rút ký quỹ phái sinh với VSDC
a) Nộp tiền ký quỹ:
Trước đây, nhà đầu tư phải nộp đủ ký quỹ lên VSDC mới được phép mở vị thế phái sinh.Với hệ thống KRX, cách làm linh hoạt hơn: nhà đầu tư chỉ cần nộp tiền vào tài khoản phái sinh tại công ty chứng khoán để giao dịch. Đến cuối ngày, công ty sẽ tổng hợp vị thế và nộp tiền lên VSDC.
Lưu ý: Việc nộp ký quỹ lên VSDC bắt buộc phải hoàn tất trước 9h30 sáng ngày T+1. Nếu chậm, tài khoản sẽ bị đóng băng, chỉ được đóng vị thế, không được mở mới.
b) Rút tiền ký quỹ:
Trước đây, sau khi tất toán vị thế, nhà đầu tư có thể rút ký quỹ ngay trong ngày.
Với KRX, quy trình chặt chẽ hơn: sau khi tất toán, tiền ký quỹ từ VSDC chỉ được rút về tài khoản chứng khoán vào ngày T+1. Nhà đầu tư cần lưu ý để chủ động kế hoạch sử dụng tiền.
c) Thay đổi về phí:
Phí quản lý vị thế qua đêm (2.550 đồng/hợp đồng/đêm) sẽ bị thay thế bằng phí bù trừ, thu ngay tại thời điểm hợp đồng được khớp lệnh (cũng 2.550 đồng/hợp đồng).Phí quản lý tài sản ký quỹ (0,0024%/tháng) vẫn giữ nguyên như trước.
Một điểm tích cực cho nhà đầu tư "day trading": nếu tất toán hết vị thế trong ngày, sẽ không phát sinh phí ký quỹ hoặc phí chuyển tiền lên VSDC như trước.