Chiều ngày 16/04/2023, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam tiếp tục ra Dự thảo Thông tư về việc xem xét cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với các khách hàng đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Nội dung tóm tắt cụ thể của dự thảo Thông tư bao gồm:
1. Về Cơ cấu lại thời hạn trả nợ
- Cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại THỜI GIAN trả nợ với các khoản nợ phát sinh trước ngày 08/04/2023.
- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trong khoảng thời gian thông tư này có hiệu lực đến ngày 31/12/2023
- Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không được vượt quá 12 tháng từ ngày đến hạn của từng số nợ được cơ cấu lại.
- Việc các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng chỉ được thực hiện từ lúc Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.
2. Về giữ nguyên lại nhóm nợ
- Cho phép tổ chức tín dụng/ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ, không phải điều chỉnh vào nhóm nợ cao hơn.
3. Trích lập dự phòng
- Tuy được phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ nhưng ngân hàng cũng phải trích lập dự phòng theo toàn bộ dư nợ như quy định cũ của ngân hàng nhà nước. Điều này làm chi phí trích lập dự phòng của ngân hàng cũng sẽ tăng, mặc dù được giữ nguyên nhóm nợ.
Nhận định của Fiinsuccess, Dự thảo Thông tư này nhìn chung tác động tích cực đến ngành ngân hàng và cả những đối tượng (tổ chức và cá nhân) đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành các nghĩa vụ nợ đáo hạn và lãi trả sắp tới.
- Các ngân hàng sẽ đảm bảo được chất lượng tài sản trên bảng cân đối tài sản của mình mặc dù bản chất chất lượng tài sản tệ hơn, tuy vậy bảng báo cáo thu nhập của các ngân hàng vẫn bị ảnh hưởng do Dự thảo thông tư vẫn yêu cầu trích lập dự phòng như quy định cũ.
- Các tổ chức, cá nhân đang gặp khó khăn trong tái cơ cấu các khoản nợ, được có nhiều thời gian để trả hơn, giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
- Thị trường chung nhìn chung cũng tích cực hơn do Dự thảo Thông tư này cũng giảm thiểu rủi ro của việc khủng hoảng nợ trong thời gian tới, qua đó cũng cho thấy Chính phủ và Nhà nước cũng mở hơn trong việc hỗ trợ thị trường chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng vốn đang gặp khá nhiều khó khăn.