1. Sản xuất công nghiệp (IIP)
Tháng 7/2023 ghi nhận tình hình sản xuất công nghiệp phục hồi (tăng 3,9% MoM và 3,7% YoY). Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,6%; ngành khai khoáng tăng 4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3%.
2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng 7, cả nước có 13,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 126,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 79 nghìn lao động, giảm 1,2% về số doanh nghiệp, giảm 8,6% về vốn đăng ký và giảm 24% về số lao động so với tháng 6/2023. So với cùng kỳ năm trước, tăng 4,3% về số doanh nghiệp, tăng 2,4% về số vốn đăng ký và giảm 25,6% về số lao động.
3. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý đạt 10,8 nghìn tỷ đồng, tăng 31,8%; vốn địa phương quản lý 47,7 nghìn tỷ đồng, tăng 27,6%.
4. Vốn đăng ký và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài
Trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng năm đầu 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,36 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,57 tỷ USD, chiếm 19,8%; Đặc khu hành chính Hồng Kông 850,2 triệu USD, chiếm 10,7%.
5. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu du lịch lữ hành tăng 53,6%.
6. Tình hình xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,76 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,92 tỷ USD, tăng 1,7%.
.
7. Tình hình nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,73 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,8 tỷ USD, giảm 1%.
8. Thị trường xuất nhập khẩu
Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 6 xuất siêu 3,09 tỷ USD ; 6 tháng đầu năm xuất siêu 13,08 tỷ USD; tháng 6 ước tính xuất siêu 2,15 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỷ USD.
9. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt tăng khi nhu cầu tăng cao vào mùa du lịch là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Bảy tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%.
Anh chị có thể đọc báo cáo đầy đủ ở đây: https://www.gso.gov.vn/bai-top/2023/07/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-7-va-7-thang-nam-2023/