Nguồn báo cáo | Công ty cổ phần chứng khoán DSC |
Chuyên đề | Ngành bán lẻ |
Ngày phát hành | 09/07/2024 |
Chi tiết báo cáo | Tại đây |
Kết quả kinh doanh
1. Các mảng kinh doanh đều ghi nhận tăng trưởng: Q1/2024 doanh thu và LNTT của DGW lần lượt đạt 4.985 tỷ đồng (+26%YoY) và 119 tỷ đồng (+11%YoY). Đáng chú ý, các mảng kinh doanh của DGW đều ghi nhận mức tăng trưởng. Cụ thể hàng tiêu dùng tăng 53%, thiết bị văn phòng tăng 48%, ĐTDĐ tăng 29%, thiết bị gia dụng tăng 27% và máy tính xách tay & máy tính bảng tăng 4%. Xét về tỷ trọng, doanh thu mảng di động, laptop và máy tính bảng vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 49% và 23%. DSC nhận định trong tương lai, cơ cấu doanh thu của DGW sẽ có nhiều sự thay đổi khi tỷ trọng nhóm ngành ICT có thể sụt giảm về mức 65% do nhu cầu tiêu thụ đi lùi trong khi nhóm thiết bị văn phòng, gia dụng và hàng tiêu dùng sẽ tăng lên đáng kể khi hưởng lợi từ các thương vụ M&A và chiến lược đa dạng danh mục sản phẩm.
2. Biên lợi nhuận gộp có sự cải thiện tích cực: BLNG cuả DGW trong Q1/2024 đạt mức 7,8%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó BLNTT của DGW vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện khi chỉ ở mức 2%, tương đương so với mức thời điểm trước dịch do các chí phí khuyến mãi, quảng cáo, lương nhân viên đều tăng mạnh. Mặc dù vậy, DSC cho rằng điều này không đáng lo ngại do sự gia tăng trong chi phí chủ yếu đến từ việc DGW liên tục mở rộng danh mục sản phẩm của mình trong thời gian qua. DSC cho rằng BLNG của DGW vẫn sẽ có thể cải thiện trong các quý tới trong khi BLNTT duy trì đi ngang và không có biến động đáng kể.
Luận điểm đầu tư
1. Các ngành hàng đều hưởng lợi với câu chuyện riêng: Trong Q1/2024 các ngành hàng của DGW đều hưởng lợi với các câu chuyện riêng hỗ trợ. Với mảng ĐTDĐ, DGW tận dụng tốt lợi thế sản phẩm mới từ Xiaomi với giá thành rẻ nhằm thu hút khách hàng trong bối cảnh người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu. Trong tương lai DGW kỳ vọng các sản phẩm từ Xiaomi sẽ tiếp tục đóng góp cho đà tăng trưởng của mảng này nhờ vào yếu tố giá thành cạnh tranh. Trong khi đó DT mảng thiết bị văn phòng trong quý đã đạt mức 1.010 tỷ đồng với động lực từ Achison. Còn lại, mảng hàng tiêu dùng nhờ đa dạng hóa mặt hàng, đẩy mạnh các sản phẩm mới từ các đối tác Hàn Quốc, DGW kỳ vọng quỹ đạo tăng trưởng sẽ tiếp tục duy trì trong quý tới.
2. Kỳ vọng phục hồi vào 2H/2024: Sau một năm đầy khó khăn, mảng ICT của DGW kỳ vọng sẽ bước vào chu kỳ phục hồi với các động lực hỗ trợ khác nhau. Đối với mảng laptop và máy tính bảng, DSC cho rằng sau giai đoạn tăng trưởng mạnh do nhu cầu học tập và làm việc từ xa bùng nổ bởi đại dịch Covid 19, nhu cầu đổi mới các sản phẩm điện tử này sẽ phục hồi dần kể từ cuối năm 2024 khi tuổi thọ trung bình của các sản phẩm này thường từ 3-5 năm.
3. Tiềm năng từ mảng thiết bị bảo hộ lao động: DSC đánh giá ngành thiết bị công nghiệp và bảo hộ lao động tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng tốt nhờ vào dòng vốn FDI vào nước ta đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Với việc hàng loạt nhà máy của các thương hiệu lớn trên thế giới như Lego, Pandora, Samsung,... đang có xu hướng chuyển dịch tới Việt Nam càng củng cố kỳ vọng về sự tăng trưởng trong nhu cầu về thiết bị bảo hộ lao động. Hiện tại, thị phần lĩnh vực thiết bị văn phòng DGW chiếm khoảng 10% (chưa tính Achison) nên chúng tôi cho rằng với với động thái sát nhập Achison, DGW hoàn toàn có thể mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trong mảng này từ đó gia tăng tỷ lệ đóng góp trong tỷ trọng doanh thu của doanh nghiệp trong tương lai.
4. Gia tăng điểm chạm với khách hàng qua chuỗi Vietmoney: Đối với chuỗi cầm đồ Vietmoney mặc dù hiện tại đóng góp vào doanh thu là không đáng kể tuy nhiên triển vọng trong tương lai là rất lớn khi chuỗi này có thể cung cấp các nhu cầu vay nhỏ ngắn hạn mà không yêu cầu kê khai mục đích sử dụng vốn từ đó được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu mua sắm từ khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đánh giá Vietmoney sẽ là bàn đạp sẽ giúp cho DGW có thể tấn công vào thị trường secondhand vốn đầy tiềm năng tuy nhiên vẫn chưa được khai thác hiệu quả tại Việt Nam khi Vietmoney có thể thu hồi các sản phẩm có giá trị sau đó thanh lý trên chính các website hoặc cửa hàng của mình. Với GDP bình quân đầu người của nước ta hiện nay khoảng 109 triệu/người cùng với sở thích được tiếp cận với các công nghệ mới, DSC cho rằng thị trường mua bán thiết bị điện tử cũ tại Việt Nam có triển vọng tăng trưởng rất rõ ràng.
Dự phóng KQKD và định giá
1. Dự phóng kết quả kinh doanh: DSC ước tính kết quả kinh doanh năm 2024 của DGW sẽ có sự phục hồi nhờ vào việc (1) doanh thu từ mảng ICT dự kiến cải thiện (+10% YoY) với các yếu tố hỗ trợ bao gồm: chu kỳ đổi mới thiết bị điện tử, Việt Nam sẽ tiến hành cắt sóng 2G vào cuối Q3/2024 từ đó buộc người tiêu dùng phải cải tiến thiết bị ĐTDĐ của mình và chuỗi Vietmoney sẽ bắt đầu có những tác động tích cực đầu tiên đối với dòng sản phẩm secondhand của mảng ICT, (2) thương vụ M&A thương hiệu Achinson sẽ giúp cho DGW có thể mở rộng thị phần của mình trong mảng kinh doanh thiết bị bảo hộ lao động. DSC dự phóng doanh thu thuần và LNST sẽ lần lượt đạt mức 21.324 tỷ đồng (+13% YoY) và 429 tỷ đồng (+18% YoY).
2. Định giá: Mức lợi nhuận sau thuế năm 2024 dự kiến đạt 429 tỷ đồng, tương ướng với mức EPS forward đạt 2.570 VND và P/E forward đạt 24,7 lần. Với triển vọng tăng trưởng nhờ vào (1) mảng ICT phục hồi, (2) tiềm năng to lớn từ các thương vụ M&A, DSC kỳ vọng mức P/E hợp lý cho DGW là khoảng 27 lần, giá mục tiêu dựa trên phương pháp định giá P/E đạt 69.500 VND/cổ phiếu, upside 10% so với giá đóng cửa ngày 02/07/2024.