Bắt đầu chuỗi giá trị của doanh nghiệp là: Đầu vào - nhà cung cấp
Đầu vào của doanh nghiệp bao gồm các yếu tố cơ bản như: vật tư, nguyên liệu, lao động, vốn, chi phí khác...Việc xác định được yếu tố đầu vào cơ bản sẽ giúp bóc tách chi phí của doanh nghiệp, từ đó có thể đánh giá mức độ tác động của các yếu tố này đối với doanh nghiệp khi giá của yếu tố đầu vào biến động.
Khi phân tích đầu vào của doanh nghiệp, cần xem xét tỷ trọng và mức độ trọng yếu của từng yếu tố để tập trung nhiều hơn vào đánh giá những yếu tố đầu vào quan trọng nhất, bao gồm:
1. Lao động
Có thể phân loại lao động thành lao động trực tiếp (lực lượng trực tiếp sản xuất, quản lý trên những công đoạn sản xuất sản phẩm, dịch vụ) và lao động gián tiếp (lực lượng làm nhiệm vụ tổ chức, quản lý và phục vụ quá trình sản xuất, dịch vụ).
Khi nghiên cứu về lao động, cần thực hiện phân tích:
-
Xu hướng giá nhân công trong quá khứ, và xem xét biến động trong tương lai là thế nào? Thông thường chỉ tiêu này bị tác động bởi chính sách về tiền lương tối thiểu, chính sách bảo hiểm của nhà nước.
-
So sánh số lượng và giá cả lao động (nếu có) với đối thủ cạnh tranh để xem xét việc tiết giảm chi phí của doanh nghiệp có tốt không.
-
Cần tập trung nghiên cứu về lao động nhiều hơn đối với những doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, thủy sản…
2. Nguồn vốn
Nguồn vốn thường được định nghĩa là nguồn lực tài chính. Khác với tiền, vốn được dùng để tạo ra của cải thông qua việc đầu tư.
Vốn đảm bảo cho quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được diễn ra liên tục từ việc mua sắm nguyên vật liệu cho đến tiêu thụ sản phẩm. Trong thị trường tự do cạnh tranh, việc cải tiến thiết bị hay đầu tư thêm vào các dây chuyền máy móc là việc cần thiết hàng hàng ngày để tăng khả năng cạnh tranh. Tại các thời điểm ấy, doanh nghiệp nào có nguồn vốn mạnh sẽ có được lợi thế nhất định.
Việc đảm bảo tốt nguồn vốn kinh doanh còn giúp doanh nghiệp chống đỡ được những tổn thất, rủi ro, biến động thị trường, khủng hoảng tài chính… trong quá trình hoạt động, đặc biệt là các ngành kinh doanh nhiều rủi ro như ngân hàng hoặc các ngành có tính chu kỳ như bất động sản, xây dựng...
3. Nguyên vật liệu
Nguyên vật liệu là yếu tố trực tiếp tạo ra sản phẩm và được xem là yếu tố đầu vào quan trọng nhất của doanh nghiệp sản xuất.
Để có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm, cần xác định được nguyên liệu chính, nguyên liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng thay thế, thiết bị xây dựng cơ bản, phế liệu. Ngoài ra, cần phân loại thành nguyên vật liệu có thể thay thế và không thể thay thế để đánh giá rủi ro về nguyên liệu của doanh nghiệp.
Các lưu ý khi phân tích nguyên vật liệu:
-
Biến động giá nguyên vật liệu như thế nào trong quá khứ và dự phóng trong tương lai ra sao.
-
Cung cầu hiện tại của nguyên vật liệu. Phân tích các yếu tố tác động đến cung cầu của nguyên vật liệu.
-
Trường hợp đầu vào của doanh nghiệp bị biến động bởi giá nguyên liệu đầu vào,nhưng giá nguyên vật liệu đầu vào này lại bị ảnh hưởng bởi giá một hàng hóa khác thì cần nghiên cứu biến động giá của hàng hóa cuối cùng.
-
Khoảng cách vận chuyển và phương thức vận chuyển của doanh nghiệp như thế nào.
-
Xem xét nguồn gốc nguyên vật liệu (nhập khẩu hay mua trong nước), khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, cần xem xét chính sách mua hàng để đánh giá khả năng kiểm soát rủi ro biến động giá nguyên vật liệu của với doanh nghiệp.
4. Nhà cung cấp
Nhà cung ứng là một bên thứ ba cung cấp các nguyên vật liệu cần thiết theo nhu cầu của doanh nghiệp. Khi nghiên cứu về nguyên vật liệu, cần nghiên cứu sức mạnh của nhà cung cấp để đánh giá được lợi thế mua hàng của doanh nghiệp.
Sức mạnh nhà cung cấp được thể hiện thông qua các yếu tố sau:
-
Số lượng nhà cung cấp.
-
Tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với nhà cung cấp là thế nào? Doanh nghiệp có phải là khách hàng chính của nhà cung cấp hay không?
-
Nhà cung cấp có khả năng tăng giá nguyên liệu đầu vào dù không có tác động khách quan nào khiến nhu cầu hàng hóa tăng lên hay không? Đây là yếu tố thể hiện sức mạnh của nhà cung cấp khi trong ngành có quá ít nhà cung cấp
-
Sức mạnh của nhà cung cấp cũng gia tăng khi họ có khả năng thực hiện mở rộng chuỗi giá trị của họ, giảm sự phụ thuộc khách hàng trong ngành.
Đọc tiếp 2 phần sau của chuỗi giá trị doanh nghiệp: Quy trình sản xuất và Đầu ra - Tiêu thụ.