Liên hệ với chúng tôi Contact Us

Bài 3.2: Cách xác định vòng đời doanh nghiệp

Vòng đời doanh nghiệp là khái niệm được nhiều nhà đầu tư bỏ qua trong quá trình phân tích nhưng lại là thành tố quan trọng trong việc xác định liệu doanh nghiệp đang trong giai đoạn nào, liệu còn động lực để tiếp tục phát triển hay sẽ thoái lui trong thời gian tới. Một doanh nghiệp đang trong giai đoạn tăng trưởng sẽ là cơ hội đầu tư đầy tiềm năng, ngược lại những doanh nghiệp chuẩn bị vào giai đoạn thoái trào thì tiềm năng kém đi. Cùng Finsuccess tìm hiểu về cách xác định vòng đời doanh nghiệp trong bài hôm nay.

Một doanh nghiệp từ lúc bắt đầu đến lúc thoái trào thường sẽ trải qua 4 giai đoạn gồm Khởi nghiệp, Phát triển, Trưởng thành và Sau Trưởng Thành (thường doanh nghiệp sẽ lụi tàn trong giai đoạn này hoặc bắt buộc phải đột phá để tiếp tục tồn tại). Hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào về thời gian trung bình một doanh nghiệp có thể tồn tại, thực tế cho thấy một số chỉ có thể tồn tại vỏn vẹn vài năm nhưng số khác có thể kéo dài cả thế kỷ.

Phân tích vòng đời doanh nghiệp giúp nắm được các cột mốc quan trọng của doanh nghiệp đó

I. Giai đoạn khởi nghiệp

Thông thường đây là giai đoạn doanh nghiệp bắt đầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. Doanh thu giai đoạn này thường tăng trưởng chậm nhưng doanh nghiệp sẽ liên tục đẩy mạnh các hoạt động Marketing để tiếp cận được tệp khách hàng mục tiêu với các quảng cáo về công dụng sản phẩm, giá trị mang lại. Một đặc điểm quan trọng, nếu doanh nghiệp là người tiên phong trong thị trường ngách thì sẽ được hưởng lợi từ hiệu ứng “người đi đầu” với ít đối thủ cạnh tranh giai đoạn này mà chỉ cần tập trung khai thác thị trường. Bên cạnh đó , thông thường trong giai đoạn đầu phát triển thì doanh thu của công ty thường thấp nhưng phải liên tục tài trợ cho hoạt động kinh doanh nên dòng tiền rất hạn chế.

Bách hóa xanh là ví dụ điển hình của một doanh nghiệp đang trong giai đoạn khởi nghiệp khi vẫn trong giai đoạn tiếp cận khách hàng với các đợt khuyến mãi sâu và chi nhánh liên tục mở. Tính đến Q1/2023 thì lỗ lũy kế của Bách hóa xanh đã hơn 7700 tỷ.

II. Giai đoạn phát triển

Sau giai đoạn khó khăn ban đầu để sản phẩm thâm nhập vào thị trường và được khách hàng đón nhận thì trong giai đoạn phát triển, doanh thu bắt đầu tăng trưởng mạnh, lợi nhuận bắt đầu xuất hiện khi hoạt động kinh doanh đã bù đắp tất cả chi phí trước đó. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh có dấu hiệu thặng dư, doanh nghiệp bắt đầu có xu hướng gia tăng đòn bẩy để tối ưu lợi nhuận. Tuy nhiên khi nhận thấy doanh nghiệp ăn nên làm ra cũng là lúc những đối thủ cạnh tranh xuất hiện với tần suất ngày một nhiều.

Lĩnh vực tài chính ngân hàng là ví dụ điển hình của một ngành trong giai đoạn tăng trưởng và cạnh tranh ngày càng lớn, dễ dàng thấy cả doanh thu và lợi nhuận của 4 ngân hàng top đầu cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng đều tăng trưởng liên tục trong thời gian trong 10 năm vừa qua.

Giai đoạn phát triển của doanh nghiệp cần phân tích các dự án trong thời gian sắp tới

III. Giai đoạn trưởng thành

Ở giai đoạn này doanh nghiệp cố gắng duy trì lợi thế cạnh tranh, doanh thu có xu hướng tiếp tục tăng nhưng không còn nhanh như giai đoạn phát triển, càng về cuối pha thậm chí có dấu hiệu sụt giảm. Thị trường bắt đầu bão hòa do sự xuất hiện của nhiều đối thủ, doanh thu thường đạt đỉnh trong giai đoạn này nhưng đồng thời chi phí cũng tăng mạnh hơn khiến các khoản lợi nhuận bị bào mòn. Bên cạnh, do không có nhu cầu tiếp mở rộng hoạt động kinh doanh nên thường lợi nhuận được đem chia cổ tức thay vì giữ lại, một số doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ là mục tiêu hoàn hảo cho các thương vụ thâu tóm và sáp nhập do không có lợi thế duy trì.

Một số cái tên lớn như Apple, CocaCola, Microsoft là những doanh nghiệp đang trong giai đoạn trưởng thành với động lực tăng trưởng có xu hướng chậm lại trong khi hầu hết doanh nghiệp của Việt Nam còn khá non trẻ và đa số vẫn còn nằm trong giai đoạn tăng trưởng.

IV. Giai đoạn sau trưởng thành

Sau giai đoạn trưởng thành doanh nghiệp sẽ phải đối diện với tình trạng thoái trào khi chứng kiến doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền sụt giảm. Thông thường một doanh nghiệp rơi vào tình trạng này khi:

  • Sản phẩm doanh nghiệp không còn được khách hàng sử dụng do sự xuất hiện của các sản phẩm vượt trội hơn về tính năng và giá cả.
  • Doanh nghiệp hoạt động trong một ngành ở cuối chu kỳ.

Lúc này  doanh nghiệp dần bị mất thị phần và phải đối diện với 2 kịch bản là chấp nhận tình trạng ngày một đi xuống hoặc bắt đầu có những đột phá khác bao gồm những tiến bộ công nghệ mới hoặc doanh nghiệp lấn sân sang lĩnh vực khác. Yahoo là cái tên điển hình của trường hợp sản phẩm doanh nghiệp không được khách hàng sử dụng do sự xuất hiện của Google và cuối cùng phải bán cho Verizon Communications vào năm 2017 với giá khoảng 4,48 tỷ, trường hợp tương tự cũng xảy ra đối với Nokia.

Yahoo là cái tên điển hình của trường hợp sản phẩm doanh nghiệp không được khách hàng sử dụng do sự xuất hiện của Google

Ở trên là 4 giai đoạn mà một doanh nghiệp sẽ phải trải qua, nắm được khái niệm này sẽ giúp nhà đầu tư dự báo được tiềm năng tăng trưởng và những rủi ro phải đối diện trong từng giai đoạn.

Chuỗi bài viết tìm hiểu về Hoạt động kinh doanh có các bài viết về phân tích Mô hình kinh doanh, Bộ máy quản lý, Vòng đời doanh nghiệp,.... Cùng đọc series bài viết tại: Các bài viết phân tích Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Duy Thoại
Investment Analyst
Duy Thoại

"Khi được hứa hẹn về làm giàu nhanh chóng, hãy nhanh chóng nói Không"


Có thể bạn quan tâm
Bài 3.6: Nghiên cứu bộ máy quản lí của doanh nghiệp (Phần 2)

Bài 3.6: Nghiên cứu bộ máy quản lí của doanh nghiệp (Phần 2)

Hoạt động kinh doanh 2023-05-24 14:50

Bên cạnh các yếu tố như đội ngũ lãnh đạo hay cơ cấu cổ đông, nhà đầu tư cũng cần đánh giá năng lực q...

Bài 3.5: Nghiên cứu bộ máy quản lý của doanh nghiệp (Phần 1)

Bài 3.5: Nghiên cứu bộ máy quản lý của doanh nghiệp (Phần 1)

Hoạt động kinh doanh 2023-05-22 10:44

Nghiên cứu bộ máy quản lí của doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần xem xét trước...

Bài 3.7: Cách sử dụng mô hình SWOT trong phân tích doanh nghiệp

Bài 3.7: Cách sử dụng mô hình SWOT trong phân tích doanh nghiệp

Hoạt động kinh doanh 2023-05-16 16:53

SWOT là mô hình kinh điển được áp dụng rộng rãi trong phân tích doanh nghiệp từ đó giúp người dùng đ...

Bài 3.4: Phân tích chuỗi giá trị doanh nghiệp (phần 2: quy trình và đầu ra)

Bài 3.4: Phân tích chuỗi giá trị doanh nghiệp (phần 2: quy trình và đầu ra)

Hoạt động kinh doanh 2023-05-15 10:32

Trong phần 1, FinSuccess đã phân tích yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công, nhà cung cấp,.....

Bài 3.3: Phân tích chuỗi giá trị doanh nghiệp (Phần 1: Đầu vào)

Bài 3.3: Phân tích chuỗi giá trị doanh nghiệp (Phần 1: Đầu vào)

Hoạt động kinh doanh 2023-05-10 16:00

Việc phân tích chuỗi giá trị giúp NĐT có thể xác định được các yếu tố trọng yếu ở mỗi giai đoạn ảnh...

Bài 3.1: Tầm quan trọng của phân tích mô hình kinh doanh - Business model

Bài 3.1: Tầm quan trọng của phân tích mô hình kinh doanh - Business model

Hoạt động kinh doanh 2023-05-09 17:26

Mô hình kinh doanh (MHKD) mô tả cách thức một công ty kiếm lợi nhuận và tạo ra giá trị cho chủ sở hữ...