1. Phân tích ngành (Industry analysis) là gì?
Phân tích ngành là việc phân tích một ngành cụ thể (sản xuất, dịch vụ, thương mại) để giúp doanh nghiệp và các nhà phân tích hiểu được động lực cạnh tranh của ngành đó, bao gồm: thống kê cung cầu, mức độ cạnh tranh trong ngành và với các ngành mới nổi khác, triển vọng tương lai và ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến ngành.
2. Phân tích theo đặc điểm ngành
Phân tích một ngành cụ thể bao gồm sản xuất, dịch vụ, thương mại.
Ngành sản xuất: đây là ngành có hoạt động sản xuất tạo ra sản hữu hình. Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất chú trọng vào nhân công và nguyên vật liệu như đầu vào chính. Giá nguyên vật liệu đầu vào thường sẽ tác động rất lớn đến các ngành sản xuất. Ví dụ: các doanh nghiệp sản xuất săm lốp có đầu vào là nhựa và cao su, vì vậy khi giá cao su tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp đó. Tuy bên cạnh đó, các doanh nghiệp này vẫn phải đảm bảo giá bán cho sản phẩm cuối cùng để có những đầu ra ổn định từ các các doanh nghiệp chế tạo ô tô hay các nhà bán lẻ.
Ngành dịch vụ: ngành dịch vụ có những đặt tính khác so với ngành sản xuất và thương mại. Ngành dịch vụ thường có tính không ổn định và tính không lưu trữ. Đầu vào của ngành không phải là các nguyên vật liệu cụ thể và đầu ra cũng không phải là các sản phẩm hữu hình. Trong ngành dịch vụ, con người và công nghệ là hai yếu tố trọng điểm.
Ngành thương mại: ngành thương mại có thể xem là sự giao thoa giữa ngành sản xuất và dịch vụ. Thương mại là trao đổi và mua bán hàng hoá (ví dụ: Điện Máy Xanh là nhà phân phối cho các hãng điện thoại, laptop, máy giặt hay ti vi). Hàng hóa tham gia trong việc mua bán là sản phẩm hữu hình. Đầu vào của các doanh nghiệp trong ngành thương mại thường là các doanh nghiệp sản xuất, vì vậy đầu vào như nguyên vật liệu không có tác động lớn đến các doanh nghiệp này. Trái lại, đầu ra lại là phần cần chú trọng vì họ thường làm việc trực tiếp với người mua. Do đó, họ phải đào tại đầu vào nhân công một cách chuyên nghiệp để họ có thể cung cấp được cả sản phẩm và dịch vụ thật tốt cho khách hàng.
3. Vai trò của phân tích ngành trong đầu tư
Phân tích ngành có vai trò quan trong trong phương pháp đầu tư cơ bản, giúp NĐT hiểu được:
- Mô hình và môi trường kinh doanh của Doanh nghiệp: Phân tích ngành cung cấp cái nhìn sâu sắc về cơ hội tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh và rủi ro kinh doanh của công ty. Đối với một nhà phân tích tín dụng, phân tích ngành giúp đánh giá về khả năng trả nợ của công ty sử dụng nợ vay.
- Xác định các cơ hội đầu một cách hiệu quả: Các nhà đầu tư thực hiện phương pháp đầu tư từ trên xuống (top-down) sử dụng phân tích ngành để xác định triển vọng về lợi nhuận và sự tăng trưởng (tích cực, trung lập hay tiêu cực) của các ngành. Dựa vào những đánh giá đó, các nhà đầu tư sẽ thay đổi tỉ trọng cổ phiếu nếu họ cho rằng thị trường đang định giá không đúng so với triển vọng của ngành.
- Phân bổ danh mục đầu tư: Việc phân tích ngành giúp nhà quản lí danh mục lựa chọn được những ngành và lĩnh vực trong từng giai đoạn để tối đa hóa hiệu quả đầu tư.
Phân tích ngành sẽ cho các nhà đầu tư biết các đặc điểm cơ bản và tổng quát của ngành như sự cạnh tranh giữa các công ty trong ngành, đầu vào và đầu ra, vòng đời của ngành, và những yếu tố khác. Vì vậy, các nhà đầu tư có thể hiểu được mô hình kinh doanh và môi trường kinh doanh của công ty mà họ muốn đầu tư. Bên cạnh đó, phân tích ngành giúp cho họ xác định được cơ hội đầu tư hiệu quả và phân bổ danh mục đầu tư một cách hợp lý.
Phân tích chuỗi giá trị ngành giúp NĐT hiểu được các doanh nghiệp vận hành từ đầu vào đến đầu ra như thế nào, từ đó an tâm nắm giữ các doanh nghiệp để đầu tư dài hạn.