Finsuccess định hướng dài hạn và mang lại chất lượng cho nhà đầu tư, do đó cũng rất muốn hướng đến những sản phẩm tốt nhất và hoàn hảo nhất vốn thành công từ nước ngoài để áp dụng cho những nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, cùng Finsuccess sẽ thảo luận về Chính sách đầu tư (Investment Policy Statement – IPS) là gì nhé. IPS gồm những phần như sau:
1. Mục tiêu đầu tư trong xây dựng chính sách đầu tư
Xây dựng mục tiêu đầu tư đang rất thiếu và khá sơ sài tại thị trường chứng khoán Việt Nam, thông thường một nhà đầu tư khi có tiền thì lập tức mua mua bán bán những cổ phiếu “hot” trên thị trường như FLC, HSG, PVX…dù không biết mục tiêu mình đang muốn gì, điều này dẫn đến khi cổ phiếu này đi sai so với kỳ vọng, điều này lập tức gây thất vọng và có thể sẽ khiến nhiều nhà đầu tư “cut loss”. Do đó trước khi đầu tư chúng ta nên xác định những mục tiêu cho mình, ví dụ đặt mục tiêu như sau:
- Mục tiêu đạt tỷ suất sinh lời 30%/năm
- Mục tiêu đạt tỷ suất sinh lời 20%/năm trong 5 năm tới
- Mục tiêu đầu tư để mua nhà trong 5 năm tới
Từ những mục tiêu cụ thể này chúng ta mới có thể xác định chiến lược đầu tư cho phù hợp với từng bối cảnh của thị trường.
2. Xác định khả năng chịu đựng rủi ro (Risk Tolerance)
Khả năng chịu đựng rủi ro (Risk Tolerance) là một trong những yếu tố khó xác định nhất, Finsuccess có một bảng đánh giá chi tiết khá hay (liên hệ với Finsuccess để biết chi tiết) để xác định yếu tố này. Team chia yếu tố về rủi ro này thành hai phần chính:
- Sẵn sàng chấp nhận rủi ro (Willing to take risk): yếu tố này liên quan đến tâm lý và cảm xúc của mỗi cá nhân, có những người có thái độ và tâm lý luôn thích rủi ro, có những người lại e ngại. Ví dụ một số rất sợ khi đi thang máy (biểu hiện cho việc e ngại rủi ro), ngược lại những người rất thích đi tàu lượn siêu tốc (biểu hiện thái độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro).
- Khả năng chấp nhận rủi ro (Ability to take risk): Bên cạnh tâm lý và thái độ chấp nhận rủi ro, một số yếu tố liên quan đến khách hàng cũng ảnh hưởng đến sự chấp nhận rủi ro của khách hàng, ví dụ như những người tuổi càng nhỏ thì khả năng chịu đựng rủi ro càng cao, những người tài sản càng lớn thông thường khả năng chịu đựng rủi ro cao hơn, những người có công việc ổn định, thông thường có khả năng chịu đựng rủi ro tốt hơn…
Sau khi kết hợp hai yếu tố sự sẵn sàng và khả năng chấp nhận rủi ro, chúng ta sẽ biết được mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân đến đầu, từ đó có thể xác định danh mục đầu tư hiệu quả và phù hợp nhất.
Ví dụ sau khi xác định được một khách hàng có khả năng chịu đựng rủi ro thấp, chúng ta sẽ ưu tiên tham gia vào các cổ phiếu có tính ổn định cao, trả cổ tức tốt, dòng tiền ổn định, ít biến động. Trong khi những cá nhân/khách hàng có khả năng chịu đựng rủi ro cao, có thể mua nhiều cổ phiếu chu kỳ, tăng trưởng cao, biến động lớn. |
3. Thời gian đầu tư trên thị trường chứng khoán (Time Horizon)
Số tiền mỗi cá nhân mang vào thị trường chứng khoán và xác định thời gian rút ra đó chính là thời gian đầu tư dự kiến (Time Horizon).
Ví dụ có khách hàng mang 1 tỷ vào thị trường để đầu tư một năm nhằm mục tiêu mua xe vào cuối năm, điều này có nghĩa thời gian đầu tư với số tiền đó của khách hàng này là 1 năm.
Những nhà đầu tư khác có mục tiêu xây dựng tài chính cho con du học, thì thời gian đầu tư có thể 10-20 năm. Do đó tùy thuộc vào mục tiêu mà thời gian đầu tư sẽ khác nhau với từng cá nhân, chúng ta cần phải xác định thời gian đầu tư cho bản thân mình trước khi tham gia vào thị trường chứng khoán là vô cùng quan trọng, nó cũng quyết định chiến lược phân bổ của từng cá nhân.
4. Tính thanh khoản từng cá nhân (Liquidity need)
Xem xét thời gian bạn rút tiền từ khoản đầu tư của mình cũng vô cùng quan trọng, điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả đầu tư và quá trình xây dựng danh mục của từng cá nhân.
Ví dụ có nhiều khách hàng bắt đầu với khoản đầu tư 2 tỷ đồng, mong muốn của khách hàng là mỗi tháng sẽ rút ra 15 triệu cho chi tiêu cá nhân, nếu nhận ra được kế hoạch thanh khoản như vậy chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị hoặc xác định các khoản đầu tư thanh khoản để có thể phân bổ hàng tháng cho khách hàng, từ đó không ảnh hưởng đến kết quả đầu tư.
5. Thuế trên thị trường chứng khoán
Nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam khi tham gia thị trường vẫn chưa hiểu thuế nào phải đóng như thế nào để xây dựng chính sách đầu tư hợp lý. Finsuccess sẽ điểm qua một số thuế phí bạn phải đóng khi tham gia thị trường chứng khoán bao gồm:
- Khi mua cổ phiếu: phí giao dịch từ 0.1% đến 0.15% trên giá trị mua, không phát sinh thuế.
- Khi nhận cổ tức trong quá trình nắm giữ: bạn phải chi trả 5% giá trị cổ tức nhận được, ví dụ bạn nhận 1.000 đồng/cổ tức/cổ phiếu => thuế sẽ nhận khoảng 50 đồng/cổ phiếu, giá trị thực bạn nhận là 950 đồng/cổ phiếu.
- Khi bán cổ phiếu: phí giao dịch từ 0.1% đến 0.15% giá trị bán, thuế là 0.1% giá trị bán, như vậy tổng giá trị phí và thuế phải đóng khi bán dao động từ 0.2% đến 0.25% giá trị bán.
6. Tính chất pháp lý trên thị trường chứng khoán
Khi tham gia vào bất kỳ tài sản đầu tư nào thì vấn đề pháp lý cũng phải được ưu tiên số một, bạn không hiểu pháp lý về sản phẩm thì chắc chắn rơi vào tình trạng bị lừa, hoặc mất tiền oan với các kênh đầu tư đấy. Do đó khi tham gia vào thị trường chứng khoán cũng vậy, chúng ta cũng phải hiểu rõ ràng đây là một kênh đầu tư truyền thống, có giá trị tài sản rất lớn và được pháp luật bảo vệ, từ nhà đầu tư, đến doanh nghiệp niêm yết, các định chế liên quan tham gia vào thị trường, do đó nhà đầu tư yên tâm về kênh đầu tư này.
Hiện tại thị trường chứng khoán hoạt động theo luật chứng khoán: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/chung-khoan/Luat-Chung-khoan-nam-2019-399763.aspx Các bạn có thể tham khảo chi tiết hơn để không xem nó như là kênh lừa đảo, cờ bạc…
7. Những sở thích cá nhân/hạn chế khác (Unique Circumstances)
Cuối cùng cũng phải hiểu rõ về những sở thích cá nhân, hay những hạn chế đặc biệt nào đó trước khi tham gia vào thị trường chứng khoán.
Ví dụ có những khách hàng của Finsuccess mong muốn chỉ đầu tư vào những cổ phiếu liên quan đến nhóm ngành điện, do đó công việc của Team sẽ chỉ tập trung vào phân bổ danh mục trong nhóm ngành đó cho khách, hay một số khách hàng không muốn đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, thì những doanh nghiệp như HPG, HT1, hóa chất… sẽ không thể nào có trong danh mục đầu tư của họ.
Bên trên là những yếu tố quan trọng Finsuccess liên tục khảo sát khách hàng trước khi đưa ra những khuyến nghị đầu tư cũng như quyết định phân bổ tài sản, điều này giúp khách hàng hạnh phúc hơn, an tâm hơn và phù hợp hơn trong quá trình đầu tư của mình. Dĩ nhiên quá trình này sẽ khó khăn do khá mới tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên Finsuccess tin rằng với hướng đi này sẽ tốt hơn cho khách hàng và từ đó mục tiêu tiến đến tự do tài chính và an tâm đầu tư sẽ gần hơn.