Cổ tức của cổ phiếu, một trong những vấn đề nhiều NĐT quan tâm nhất và cũng khiến cho không ít người có chút bối rối. Vậy thì bản chất việc chi trả cổ tức của doanh nghiệp là gì và tác động của nó đến giá cổ phiếu như thế nào?
Khái niệm và phân loại cổ tức
Trước tiên, điểm nhanh qua về định nghĩa của cổ tức: “Cổ tức (Dividend) là một phần lợi nhuận sau thuế được chia cho các cổ đông của một công ty cổ phần.” Không có gì khó hiểu ở phần này, đơn giản bạn là cổ đông sở hữu cổ phiếu của công ty, công ty khi làm ăn có lợi nhuận sẽ chia lợi nhuận cho bạn – phần được chia gọi là cổ tức.
Một CTCP chỉ có quyền trả cổ tức cho cổ đông khi đáp ứng các nghĩa vụ tài chính và thuế theo luật định
Vậy cổ tức được chia như thế nào, chúng ta tìm hiểu 2 cách chi trả và quy định tại Việt Nam:
1. Cổ tức bằng tiền
Thông thường có 2 cách để thể hiện:
- Ghi trực tiếp số tiền chi trả mỗi cổ phiếu. Ví dụ: Cổ tức bằng tiền 3.000đ/cp, tức là cứ mỗi cổ phiếu NĐT sẽ được nhận 3.000đ.
- Ghi bằng số phần trăm. Ví dụ: Cổ tức bằng tiền tỉ lệ 20%, tức là cứ mỗi cố phiếu NĐT sẽ được nhận 2.000đ. Điểm lưu ý, 20% trên mệnh giá của CP chứ không phải là giá trị lưu hành của CP đó (mệnh giá của tất cả CP tại Việt Nam quy định là 10.000đ/cp).
2. Cổ tức bằng cổ phiếu
Tương tự, cổ tức bằng cổ phiếu thể hiện bằng số phần trăm. Ví dụ: Cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 10%, tức là NĐT sẽ có thêm số lượng CP bằng 10% số lượng đang nắm giữ, cứ 100 cổ phiếu bạn sẽ có thêm 10 CP, tổng CP sau chia là 110 CP. (NĐT có thể tìm hiểu thêm nghiệp vụ phát hành thêm cổ phiếu, cách hoạt động tương tự chia cổ tức bằng CP).
Mua nắm giữ cổ phiếu bao lâu để nhận cổ tức?
huật ngữ “Ngày giao dịch không hưởng quyền (Ngày GDKHQ)” hiểu rằng vào ngày này bạn mua vào cổ phiếu sẽ không nhận được cổ tức. Tức là, không quan trọng bạn mua khi nào và nắm giữ bao lâu, chỉ cần vào trước ngày GDKHQ bạn sở hữu cổ phiếu thì bạn sẽ được chốt quyền nhận cổ tức. Ngày GDKHQ thông thường sẽ được công bố công khai trước 1 tháng.
Cổ tức sẽ không được chi trả ngay lập tức, mà sẽ cách sau ngày này khoảng 1 tháng. Mọi người lưu ý điểm này nhé, đây là một điểm trừ nhẹ cho NĐT lướt sóng ngắn, bởi họ sẽ “kẹp hàng” tốn thời gian chờ đợi tiền/cổ phiếu về.
Cổ phiếu điều chỉnh giá vào ngày GDKHQ
Đây, điểm mấu chốt của câu chuyện cổ tức mà nhiều NĐT boăn khoăn. Giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh “giảm” ngay vào thời điểm mở phiên ngày GDKHQ. Cụ thể, tôi sẽ phân tích theo hai trường hợp (cổ tức tiền và cổ phiếu) để thấy nguyên nhân của việc điều chỉnh này:
-
Cổ tức bằng tiền, lấy ví dụ như sau:
- Hôm nay, Giá cổ phiếu VCB là 100đ/cp, tổng số lượng cổ phiếu đang là 1.000 cp => tổng giá trị doanh nghiệp VCB đang là 100đ x 1.000 cp = 100.000đ. Ngày mai, ngày GDKHQ việc chi trả cổ tức tiền mặt 2đ/cp, tức là những ai mua cổ phiếu ngày mai sẽ không được nhận cổ tức 2đ/cp.
- Hiểu bản chất như sau: VCB sẽ lấy tiền mặt 2.000đ từ doanh nghiệp chuyển cho cổ đông hưởng quyền. Vậy vào ngày mai, tổng số tiền VCB sẽ chi ra là 2đ/cp x 1.000 cp = 2.000đ, giá trị doanh nghiệp VCB sẽ giảm từ 100.000đ xuống còn 98.000đ.
- Khi đó, giá trị mỗi cổ phiếu VCB điều chỉnh tương ứng sẽ còn: 98.000đ : 1.000cp = 98đ/cp, tương ứng mức giảm từ 100đ/cp – 2đ(cổ tức) = 98đ/cp.
- Điều này công bằng cho NĐT mua vào ngày không hưởng quyền. Còn với NĐT hưởng quyền, thay vì giá trị CP là 100đ, tương ứng sau điều chỉnh còn 98đ cộng với 2đ cổ tức, tổng giá trị họ cũng không đổi.
⇒ Như vậy, xét theo giá trị dòng tiền, NĐT không có lời gì từ việc hưởng cổ tức ở đây. Xét về doanh nghiệp, tiền mặt từ doanh nghiệp sẽ giảm đi. Mọi người đọc kỹ ví dụ để hiểu tại sao tôi nói như vậy.
-
Cổ tức bằng cổ phiếu, một ví dụ tương tự:
- Hôm nay, Giá cổ phiếu FPT là 100đ/cp, tổng số lượng cổ phiếu đang là 1.000 cp => tổng giá trị doanh nghiệp FPT đang là 100đ x 1.000 cp = 100.000đ. Ngày mai, ngày GDKHQ việc chi trả cổ tức cổ phiếu 20%, tức là những ai mua cổ phiếu ngày mai sẽ không được nhận được thêm 20% số lượng CP.
- Hiểu bản chất như sau: FPT sẽ không chi đồng nào, chỉ in cổ phiếu trả cho cổ đông. Vậy giá trị FPT không thể đổi, vẫn là 100.000đ. Điểm khác biệt là tổng số lượng cổ phiếu ngày mai sẽ tăng thêm 20%, tức là 1.200cp lưu hành.
- Khi đó, giá trị mỗi cổ phiếu VCB điều chỉnh tương ứng sẽ còn: 100.000đ chia 1.200cp = 83,33đ/cp.
- Vậy, NĐT giả sử trước hưởng quyền nắm giữ 10 cổ phiếu giá 100đ, sau hưởng cổ tức sẽ có 12 cổ phiếu giá 83,88đ. Tổng giá trị không đổi vẫn là 1.000đ (10x100 – 12x83,33).
⇒ Như vậy, xét về dòng tiền, tương tự NĐT cũng không có lời gì từ việc chia cổ tức ở đây. Tuy nhiên, xét về phía doanh nghiệp, tiền mặt và giá trị doanh nghiệp không thay đổi. Đây là điểm khác biệt giữa hai hình thức chia cổ tức mọi người cần chú ý.
Xét về phía doanh nghiệp, tiền mặt và giá trị doanh nghiệp không thay đổi.
Chia cổ tức liệu có phải “kèo thơm” cho NĐT?
Rõ ràng từ phân tích ở trên, xét về dòng tiền 1 cách trực tiếp từ nghiệp vụ chia cổ tức, NĐT không hưởng lợi gì ở đây cả - tổng giá trị trước chia và sau chia của họ không đổi. Vậy trước tiên, xét về ngắn hạn, việc mua cổ phiếu chỉ “chăm chăm” vào hưởng cổ tức không mang lại lợi ích gì cho NĐT ở đây.
Nói như vậy, chia cổ tức không mang lại lợi ích gì? Không đúng! Sau đây tôi sẽ đưa ra một số luận điểm, ý nghĩa tác động của việc chia cổ tức tới doanh nghiệp, từ đó NĐT có thể tự đánh giá việc chia cổ tức của từng doanh nghiệp cụ thể là có lợi hay hại:
- Chia cổ tức bằng tiền mặt một cách đều đặn hoặc tăng lên, việc này kết hợp với hoạt động kinh doanh ổn định chứng tỏ DN đang kiểm soát dòng tiền tạo ra tăng trưởng tốt => tín hiệu tích cực cho đà tăng trưởng.
- Ngừng chi trả cổ tức tiền mặt, lúc này sẽ đau đầu hơn, NĐT cần xem xét kỹ. Hai kịch bản thường xảy ra: đầu tiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong kinh doanh, không tạo ra được lợi nhuận, thiếu hụt dòng tiền => rõ ràng là tiêu cực; trường hợp khác, doanh nghiệp đang cần dồn tiền cho những dự án tương lai tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cao => kịch bản tích cực.
- Chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, mọi người nhớ lại nghiệp vụ này giá trị doanh nghiệp không đổi, dòng tiền không đi ra khỏi doanh nghiệp. Một nghiệp vụ khác tôi cũng đề cập ở đây, đó là phát hành thêm cổ phiếu => hút thêm dòng tiền vào doanh nghiệp. Vậy việc giữ không để tiền ra khỏi doanh nghiệp càng đáng phải xem xét kỹ: Liệu doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận giữ lại không chia cho NĐT để làm gì?
⇥ Nếu việc giữ vốn – nâng vốn đề tài trợ cho hoạt động mở rộng hoạt động kinh doanh, tiềm năng mang lại lợi nhuận cao thì rõ ràng đây là tín hiệu tích cực. Ví dụ như thời gian vừa qua: HPG chia cổ tức cổ phiếu, nâng vốn để tài trợ cho dự án thép Dung Quốc, hay gần đây, các ngân hàng, công ty chứng khoán chia cổ tức cổ phiếu để nâng vốn chủ sở hữu lên để có thể dễ dàng gia tăng dư nợ, tăng trưởng tín dụng. Nên cơ bản với tôi, đây là các tín hiệu tích cực.
⇥ Ngược lại, nếu việc chia cổ tức cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu một cách thường xuyên nhưng mục đích sử dụng vốn không rõ ràng, mang đến rủi ro bị chiếm dụng vốn của NĐT, thì NĐT cần xem xét kỹ. Minh chứng là các doanh nghiệp hoạt động ổn định, không mở rộng hoạt động kinh doanh thì thường sẽ không bao giờ chia cổ tức cổ phiếu.
⇒ Ngoài ra, còn một số tác động khác nhưng trên đây là những điểm chính tôi muốn đề cập. Về cơ bản, NĐT cần để ý dòng tiền vận động ra vào DN như thế nào, mục đích sử dụng vốn để làm gì. Các quyết định chia cổ tức sẽ được thông qua và giải trình trong ĐH cổ đông.
Tóm lại, NĐT cần hiểu rõ ý nghĩa – bản chất của việc chia cổ tức và đánh giá ảnh hưởng của nó đến giá trị cổ phiếu: Cổ tức không tác động trực tiếp vào tài sản của NĐT mà nó sẽ tác động đến kì vọng về sự tăng trưởng của doanh nghiệp dẫn đến kì vọng tăng giá cổ phiếu, đây là điều mà NĐT hướng đến sau cùng.
Hi vọng những chia sẻ trên đây của team FinSuccess hữu ích cho mọi người. Chúc mọi người đầu tư thành công!
3 COMMENT
No Name
Minh Nhật
Cám ơn FinSuccess vì bài viết hay và bổ ích!
Bài viết tóm gọn được rất nhiều thông tin cho người mới, nhưng bài viết có khá nhiều từ viết tắt gây bối rối khi đọc, tôi phải tốn 3 views mới "nuốt" hết toàn bộ thông tin mà tác giả muốn truyền tải. Mong Fin tiếp tục cho ra những bài viết hay như thế.
Minh Nhật