1. Chiết Khấu Dòng Tiền (DCF) là gì?
Chiết khấu dòng tiền (Discounted Cash Flow - DCF) là phương pháp định giá tài sản dựa trên việc dự phóng dòng tiền trong tương lai và chiết khấu chúng về giá trị hiện tại. Phương pháp này giúp đánh giá xem tài sản có bị định giá quá cao hoặc quá thấp trên thị trường so với giá trị thực sự của nó.
2. Ưu điểm và Nhược điểm
2.1. Ưu điểm
- Đánh giá dựa trên tiềm năng tương lai: DCF đặc biệt hữu ích cho các công ty khởi nghiệp hoặc công ty công nghệ không có tài sản cố định nhiều, vì nó tập trung vào khả năng tạo ra giá trị trong tương lai.
2.2. Nhược điểm
- Nhạy cảm với giả định: DCF rất nhạy cảm với các giả định về dòng tiền và tỷ lệ chiết khấu. Thay đổi nhỏ trong các giả định này có thể dẫn đến biến động lớn trong giá trị ước tính. Bên cạnh đó giả định về tốc độ tăng trưởng vĩnh viễn của doanh nghiệp cần phải phù hợp với mức độ phát triển kinh tế của từng quốc gia. Hiện tại, Việt Nam đang ở giai đoạn nền kinh tế phát triển, vì vậy trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ khoảng 5-7% trước khi đạt tỷ lệ tăng trưởng vĩnh viễn 3% như ở các quốc gia phát triển. Đây là một yếu tố có thể gây nhiễu trong quá trình định giá doanh nghiệp bằng phương pháp DCF.
- Rủi ro và yếu tố không thể dự đoán: Những yếu tố như sự không minh bạch của doanh nghiệp, tình trạng lạm phát, khủng hoảng tài chính, dịch bệnh có thể làm sai lệch kết quả.
- Giá trị cuối cùng chiếm tỷ trọng lớn: Đối với một vài phương pháp giá trị cuối cùng (terminal value) thường chiếm phần lớn trong tổng giá trị và có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các giả định về giai đoạn dài hạn.
- Giả định về sự tồn tại vĩnh viễn không thực tế: Các doanh nghiệp ngày càng có vòng đời ngắn hơn, làm cho giả định rằng công ty hoạt động mãi mãi không thực tế
3. Phân loại Dòng Tiền Chiết Khấu
- Cổ tức (Dividends): Khoản tiền trả cho cổ đông từ lợi nhuận của công ty. Mô hình Gordon là một ví dụ sử dụng cổ tức để định giá. Định giá bằng cổ tức phù hợp với các công ty trả cổ tức đều đặn.
- Dòng tiền tự do (Free Cash Flow - FCFF và FCFE): Tiền tạo ra sau khi trừ đi chi phí cần thiết để duy trì và mở rộng tài sản. FCFF là dòng tiền tự do cho cả cổ đông và trái chủ, còn FCFE là dòng tiền tự do cho cổ đông.
- Nếu cấu trúc vốn của công ty tương đối ổn định, việc sử dụng dòng tiền tự do cho cổ đông (FCFE) để định giá vốn chủ sở hữu sẽ trực tiếp và đơn giản hơn so với việc sử dụng dòng tiền tự do (FCFF).
- Nếu công ty có dòng tiền tự do cho cổ đông (FCFE) âm và cấu trúc vốn biến động, thường thì dòng tiền tự do (FCFF) là lựa chọn tốt nhất.
- Thu nhập dư (Residual Income): Sự khác biệt giữa thu nhập thực tế của công ty và chi phí vốn. Giúp đánh giá hiệu quả tài chính bằng cách so sánh lợi nhuận với chi phí vốn. Phương pháp này được áp dụng khi việc định giá bằng hai dòng tiền trên không phù hợp.
4. Công thức tính chiết khấu dòng tiền
Công thức chiết khấu cơ bản:
- PV: Giá trị hiện tại
- FV: Giá trị tương lai
- r: Tỷ lệ chiết khấu
- n: Số năm
5. Quy Trình Định Giá Bằng DCF
5.1. Dự đoán Dòng Tiền Tương Lai
Ước lượng các dòng tiền dự kiến từ hoạt động kinh doanh, chi tiêu vốn (capex) và biến động trong vốn lưu động. Thời gian dự phóng thường từ 5 đến 10 năm.
5.2. Xác định Tỷ Lệ Chiết Khấu
Tỷ lệ chiết khấu là một thành phần quan trọng trong định giá theo phương pháp DCF. Nó phản ánh mức độ rủi ro liên quan đến các dòng tiền tương lai. Tỷ lệ chiết khấu cũng có thể là tỷ lệ lợi nhuận yêu cầu của nhà đầu tư. Một tỷ lệ chiết khấu cao hơn được áp dụng cho các dòng tiền có rủi ro cao hơn.
Các loại tỷ lệ chiết khấu:
- Chi phí Vốn Trung Bình Gia Quyền (WACC - Weighted Average Cost of Capital): được sử dụng để chiết khấu dòng tiền trong trường hợp dự đoán dòng tiền tương lai cho cả cổ đông và trái chủ,là chi phí vốn của doanh nghiệp được tính toán dựa trên cơ sở tỷ trọng các loại vốn mà doanh nghiệp đã và đang sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh hoặc mua sắm hàng đầu tư.
WACC = (E/V)*Re + (D/V)*Rd *(1-Tc)
Trong đó:
- E là giá trị thị thường của tổng vốn chủ sở hữu
- D là giá thị thị thường của tổng nợ
- V = E + D
- Re là chi phí vốn chủ sở hữu/ vốn cổ phần
- Rd là chi phí vốn vay
- Tc là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
- Chi phí vốn chủ sở hữu/ vốn cổ phần Re: được sử dụng để chiết khấu dòng tiền trong trường hợp dự đoán dòng tiền tương lai cho cổ đông
- Re được tính toán bằng mô hình định giá tài sản vốn CAPM với công thức như sau:
Re = KRF + b x RP
Trong đó:
- KRF: Lãi suất phi rủi ro, được xác định bằng lãi suất của các công cụ tài chính phi rủi ro, thông thường là tín phiếu kho bạc hoặc trái phiếu chính phủ
- RP: Phần bù rủi ro cho rủi ro trung bình của đầu tư, tính bằng công thức = (RM-RF) trong đó RM là lợi suất thị trường tính toán thông qua biên thay đổi của chỉ số chứng khoán thị trường, và RF là lãi suất phi rủi ro.
- Beta: Hệ số rủi ro thị trường với cổ phiếu, là hệ số đo lường rủi ro hệ thống có thể tham khảo từ các báo cáo phân tích hoặc tính toán thông qua sử dụng công cụ thống kê và hàm hồi quy tuyến tính.
5.3. Tính Giá Trị Hiện Tại của Các Dòng Tiền
Chiết khấu các dòng tiền tương lai về giá trị hiện tại bằng công thức:
- PV: Giá trị hiện tại
- FV: Giá trị tương lai
- r: Tỷ lệ chiết khấu
- n: Số năm
5.4. Tính Giá Trị Kết Thúc
Xác định giá trị doanh nghiệp ngoài giai đoạn dự đoán bằng cách sử dụng mô hình tăng trưởng vĩnh viễn hoặc phương pháp Exit Multiple.
- Mô hình tăng trưởng vĩnh viễn: Giả định rằng giá trị tiền mặt sẽ tăng ở một tỷ lệ cố định sau giai đoạn dự đoán, thường khoảng 3%.
- Phương pháp Exit Multiple: Đánh giá doanh nghiệp dựa trên bội số của các tham số tương tự.
5.5. Cộng Tổng Các Giá Trị Hiện Tại
Tổng hợp giá trị hiện tại của các dòng tiền dự đoán và giá trị kết thúc để xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp hoặc khoản đầu tư.
5.6. Tầm Quan Trọng
Phương pháp DCF quan trọng vì nó cung cấp một cách tiếp cận dựa trên dữ liệu để đánh giá giá trị nội tại của tài sản. Phương pháp này giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt bằng cách tập trung vào tiềm năng tương lai của tài sản, thay vì chỉ dựa vào giá thị trường hiện tại. DCF cung cấp cái nhìn sâu sắc về giá trị nội tại của tài sản và hỗ trợ ra quyết định tài chính hợp lý.
Định giá là một phần quan trọng trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư của bản thân. Do đó FinSuccess viết rất nhiều bài viết xoay quanh chủ đề này để anh/chị có thể tiếp cận được các phương pháp và nghệ thuật định giá một cách tiệm cận hơn. Bài viết "Hiểu về định giá" này cũng rất hay để đọc qua.