1. Vnindex dưới góc nhìn kỹ thuật
Ở đồ thị một tuần, Vnindex khép lại 1 tuần giao dịch bằng cây nến hình thành bóng nến trên tại mốc kháng cự 1230, điều này cho thấy thị trường đã thất bại trong quá trình kiểm định mốc cản này ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, thanh khoản có phần gia tăng đột biến chứng tỏ lực bán được xem là tương đối mạnh, điều này chủ yếu đến từ áp lực lớn trong phiên giao dịch cuối tuần.
Mặc dù vậy, trạng thái của chỉ số trong đồ thị một tuần vẫn được đánh giá là phục hồi “có dòng tiền” được thể hiện thông qua chỉ báo MACD cùng với vận động tích cực của chỉ báo xu hướng MA10. Chính vì vậy, vận động của Vnindex sau tuần giao dịch dù cho thấy mức độ rủi ro nhất định nhưng chưa xác nhận tín hiệu đảo chiều xu hướng.
Ở đồ thị một ngày, chúng ta không phủ định phiên giao dịch cuối tuần là một phiên phân phối tương đối xấu khi thanh khoản gia tăng đột biến nhưng trạng thái xu hướng của Vnindex nhìn chung chưa ghi nhận tín hiệu quá tiêu cực. Cụ thể, xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn là xu hướng tăng khi các đường hỗ trợ xu hướng MA10 và MA20 vẫn giữ vận động tích cực xác nhận xu hướng tăng.
Ngoài ra, giai đoạn tăng vừa qua cũng được xem là giai đoạn có dòng tiền hỗ trợ xu hướng khi các tín hiệu hội tụ MACD hỗ trợ cho điều này chứng tỏ phiên phân phối chưa mang tính chất “tạo đỉnh đảo chiều”. Trong ngắn hạn, Vnindex đã về mốc hỗ trợ MA10, điều này có thể giảm bớt áp lực cho chỉ số trong các phiên ở tuần giao dịch tới.
2. Chiến lược giao dịch tuần
Từ những đánh giá trên cho thấy mặc dù phiên giao dịch thứ sáu ghi nhận một phiên phân phối mạnh nhưng chưa được xác nhận là một phiên mang tính chất đảo chiều xu hướng tăng ở hiện tại. Bên cạnh đó, mức độ điều chỉnh ở đa số các cổ phiếu chưa được xem là quá lớn bất chấp lực cung gia tăng mạnh; điều này phần nào cho thấy lực cầu nâng đỡ vẫn hiện hữu và có thể hỗ trợ Vnindex trong quá trình cân bằng tới. Chính vì vậy, tác giả cho rằng phiên phân phối ngày thứ sáu vẫn mang tính chất “rũ hàng” nhiều hơn là “đảo chiều” và nhà đầu tư có thể kỳ vọng chỉ số có thể sớm phục hồi trong tuần sau.
Tuy nhiên, phiên phân phối có thể mang tính chất “rũ hàng” nhưng có thể trạng thái phân hóa có thể diễn ra mạnh trên thị trường khi dòng tiền sẽ ưu ái đối với các cổ phiếu có dòng tiền và xu hướng tốt hơn là các cổ phiếu trong thời gian qua giữ biên đi ngang quá lâu hoặc yếu hơn thị trường.
=> Vì vậy, các nhịp phục hồi ở tuần giao dịch mới sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư thực hiện các chiến lược cơ cấu cổ phiếu tiêu cực trong danh mục để lựa chọn giao dịch ở các cổ phiếu có trạng thái tốt hơn.
3. Các nhóm cổ phiếu lưu ý
Nhóm cổ phiếu nhà đầu tư nên có sự quan tâm trong giai đoạn tới là nhóm ngân hàng khi đây là nhóm được xem là “dẫn dắt” thị trường ở thời điểm hiện tại. Hiện tại, phần lớn các cổ phiếu ngân hàng vẫn vận động theo xu hướng tăng với dòng tiền mạnh như BID, CTG, TCB,... nên động lực ngắn hạn vẫn được đánh giá tích cực.
Khu công nghiệp trong giai đoạn vừa rồi cũng được xem là nhóm cổ phiếu có dòng tiền tham gia tích cực. Hiện tại, GVR đang là cổ phiếu có trạng thái vận động kỹ thuật tốt nhất khi xu hướng được hỗ trợ với dòng tiền mạnh và đây cũng được xem là cổ phiếu dẫn dắt của dòng. Một số cổ phiếu khác như IDC, SZC cũng nhận được tín hiệu lan tỏa dòng tiền tương đối tích cực.
Một số cổ phiếu của nhóm chứng khoán có vận động tích cực trong giai đoạn vừa rồi cũng có thể được theo dõi như HCM, MBS khi đây là các cổ phiếu mang tính chất dẫn dắt của dòng bởi lực cầu tích cực. Một số cổ phiếu khác của nhóm này cũng có thể lưu ý là SSI, ORS, VDS.