1. Thế giới
Chỉ số DJI tiếp diễn trạng thái đi ngang trong bối cảnh xu hướng tăng tương đối mạnh. Cụ thể, chỉ báo MA10 và MA20 đồng thuận ghi nhận vận động tích cực cũng như giữ vai trò làm đường hỗ trợ xu hướng cho chỉ số chứng xu hướng tăng hiện tại của DJI được xem là tốt. Mặc dù vậy, trạng thái của lực cầu có tín hiệu suy yếu xuyên suốt tuần giao dịch, điều này có thể thấy thông qua vận động có phần yếu đi của chỉ báo MACD. Chính vì vậy, trong bối cảnh yếu tố này không được cải thiện thì DJI có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh để tích lũy lại lực cầu.
Ở chiều khác, chỉ số DXY đang dần hình thành tín hiệu “đảo chiều từ xu hướng giảm”. Dưới góc nhìn kỹ thuật, DXY đã vượt thành công MA20 cùng với sự cải thiện vận động của MA10. Bên cạnh đó, chỉ báo Bollinger Bands vận động “thu hẹp” kết hợp với MACD đảo chiều dương được xem là tín hiệu chỉ số chuẩn bị kết thúc xu hướng giảm cũ và có xác suất quay lại xu hướng tăng.
Về chỉ số USBond, xu hướng giảm có phần cải thiện dù chưa được xem là quá lớn. Chi tiết hơn về điều này, cây nến đóng cửa gần nhất đã vượt kháng cự MA10 cũng như chỉ báo MACD cho thấy sự cải thiện nhẹ chứng tỏ áp lực giảm của USBond đang suy giảm. Trong ngắn hạn, mốc kháng cự MA20 sẽ là mốc cản tiếp theo mà chỉ số cần chinh phục để xác nhận tín hiệu đảo chiều.
2. Vnindex
Về Vnindex ở đồ thị một tuần, chỉ số kết tuần vượt thành công kháng cự MA10 cùng với lực bán suy giảm trong khung thời gian này. Hiện tại, sau khi bật tăng thành công từ mốc 1100 chỉ số đã cho thấy động lực tiến về kiểm định lại mốc kháng cự MA20 (1150). Phe mua tiếp tục cho thấy khuynh hướng trở lại thông qua thanh khoản tăng tích cực cũng như sự cải thiện từ MACD, điều này đóng vai trò quan trọng cho chỉ số có thể duy trì động lực tăng về các mốc kháng cự trên.
Ở đồ thị một ngày, Vnindex vẫn duy trì vận động trong xu hướng tăng. Cụ thể, chỉ báo xu hướng MA10 & MA20 đồng thuận cho tín hiệu tích cực của xu hướng trong bối cảnh MACD “dương” và dải của Bollinger Bands “mở rộng” cho thấy dòng tiền tham gia được xem là ổn. Mặt khác, mốc 1130 trong ngắn hạn vẫn là thách thức của chỉ số trước khi tiến về lại vùng 1150.
3. Chiến lược cho tuần mới
Từ những đánh giá trên có thể thấy, mặc dù động lực tăng của chỉ số vẫn được xem là tích cực song các yếu tố về rủi ro điều chỉnh bên ngoài có thể phần nào sẽ ảnh hưởng đến Vnindex. Bên cạnh đó, diễn biến tuần giao dịch trong nước cho thấy trạng thái phân hóa của các nhóm ngành tiếp tục diễn biến mạnh khi dòng tiền có khuynh hướng luân chuyển qua nhóm trụ trong khi lực bán tiếp tục gây sức ép ở các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ. Bàn luận về điều này, trong bối cảnh lực cầu từ đáy có sự suy giảm thì việc dòng tiền luân chuyển qua nhóm trụ được xem là tín hiệu tích cực để chỉ số vượt thành công mốc 1130. Mặt khác, nhà đầu tư nên đặt ra các mốc chốt lãi với các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ (đặc biệt lưu ý ở các cổ phiếu đã xuất hiện tín hiệu đảo chiều) để tránh rủi ro điều chỉnh mạnh.